Cập nhật: 10/02/2018 10:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tiểu thuyết "Đức Thánh Trần" được xem là sự khác biệt hoàn toàn mới lạ với các tác phẩm văn học khác viết về Ngài và triều Trần.

 

Tiều thuyết “Đức Thánh Trần” của nhà văn Trần Thanh Cảnh.

Viết về triều Trần có rất nhiều tác giả đã thành danh, và viết về Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng có rất nhiều tác phẩm văn học thể hiện trong hình ảnh một võ tướng kiệt xuất, uy dũng phi phàm, đã lãnh đạo và cùng với quân và dân Đại Việt ba lần đánh tan quân Nguyên Mông - đạo quân với vó ngựa sa mạc đã càn quét khắp châu Á và sang cả một vùng châu Âu, bách chiến bách thắng, nhưng tới Đại Việt thì thất bại ê chề, đến hoàng tử cũng phải chui ống đồng thoát thân, các tướng giặc lừng danh phơi thây chiến địa Đại Việt.

Nhưng trong tiểu thuyết “Đức Thánh Trần” của nhà văn Trần Thanh Cảnh - NXB Hội Nhà văn và ThaiHaBook xuất bản, thì hình ảnh của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn không chỉ là “Võ nghiệp lẫy lừng” mà còn  có “Tình yêu bất diệt”, có thể xem là sự khác biệt hoàn toàn mới lạ với các tác phẩm văn học khác viết về Ngài và triều Trần.

Theo tác giả chia sẻ trong buổi ra mắt tác phẩm tại Đường sách TP.Hồ Chí Minh vừa qua: “Lịch sử là cái đinh cho tôi neo trí tưởng tượng… Tôi giải mờ một nhân vật kiệt xuất của lịch sử được nhân dân tôn thờ là vị Thánh”. Nói rõ hơn, tác giả nhấn mạnh và khẳng định ngay từ đầu phẩm chất cao quý thần thánh, vị thế tài ba thần thánh, uy vọng lẫy lừng thần thánh của Trần Quốc Tuấn. Nhưng phần “đời thường” của Ngài là một bóng khuất, không có trong chính sử, và nhà văn cần “giải mờ” bằng những tưởng tượng của mình, đây cũng là điều mà văn chương khác với lịch sử.

Và Ngài qua những trang viết của nhà văn Trần Thanh Cảnh, là một trang nam nhi có dung mạo tuấn kiệt, khí chất phi phàm, tài điều binh khiển tướng lỗi lạc, nhưng trong cuộc sống vẫn rất “đời”, đặc biệt là những rung cảm về tình yêu đầy mãnh liệt, say đắm, và thủy chung.

Những trang viết về mối tình của Ngài với Công chúa Thiên Thành là vẻ đẹp tình yêu bản năng, mạnh mẽ, cuồng nhiệt, nồng nàn, là tình yêu đầu đời có sự khám phá đam mê, có cả  một “cuộc chiến” trái tim để bảo vệ tình yêu và có được người tình. Cảnh “cướp dâu” được miêu tả trong “Đức Thánh Trần” hồi hộp không kém một scene hành động ly kỳ đến nghẹt thở.

Không thể không “si” không “ngây” khi đọc những trang viết rất “nóng” cảnh Trần Quốc Tuấn và Công chúa Thiên Thành trong đam mê tình, hòa quyện vào nhau khi vụng trộm chứng kiến đêm hoan lạc trong lễ hội Mo Nang hoàng cung. 

Mối tình của Ngài với nàng thôn nữ Quế Lan lại như thơ như nhạc, bàng bạc chút liêu trai của câu chuyện cổ tích, trai anh hùng gái thuyền quyên, trong trẻo như sương mai trên những cánh hoa, mượt mà như bờ dâu ruộng mật, chỉ một lần mà khắc cốt ghi tâm, ngắn ngủi nhưng như hương hoa lan phảng phất mãi không thôi trên từng trang sách kể về mối tình này.

Không chỉ viết về đời sống tình cảm của Trần Quốc Tuấn, tiểu thuyết “Đức Thánh Trần” còn kể một câu chuyện tình về một Công chúa triều Trần có số phận đầy bí ẩn. Trong chính sử chép về Công chúa An Tư chỉ có một dòng, tác giả đã dệt nên một câu chuyện về cuộc đời vinh - nhục của nàng trong sứ mệnh “mỹ nhân tâm kế” giúp triều Trần đánh giặc Nguyên Mông.

Một “tình sử” trên trang viết có thể gây “sóng gió” cho chính tác giả, bởi ông diễn tả một Công chúa An Tư khác hẳn các hình ảnh trước đậy trong các tác phẩm văn học trước đó, một phác hoa chân dung cô Công chúa triều Trần sinh động và phóng khoáng như hiện thân của hình ảnh vũ nữ được khắc trên các phù điêu Champa, hay các bức tranh chạm gỗ hình trai gái giao hoan ở đình làng, các bức tranh tố nữ  gợi cảm xuân- hạ- thu- đông..., với nhiều sắc trần tục hơn là thánh thiện khuê các.

Những trang văn cực “nóng”, tả cảnh hoan lạc trần thế từ lễ hội Mo Nang trong hoàng cung đến lạc thú trên giường ngủ của viên Hoàng tử thứ 9 của nhà Nguyên Mông là Thoát Hoan gắn với cô công chúa Trần triều, đẹp một cách dữ dội, hoang dã và có phần phóng túng đầy sắc thái nhục dục.

“Đức Thánh Trần” nhận được nhiều phản hồi của giới văn chương và người đọc ngay khi mới ra mắt. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam khẳng định: “Nhà văn Trần Thanh Cảnh đã điền được vào chỗ khuyết trong lịch sử”???. Cho dù có thật là “điền vào chỗ khuyết trong lịch sử” hay không, thì qua tiểu thuyết, có thể thấy một chân dung Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là vị Thánh trong lòng dân Việt như đã từng, nhưng cũng là một vị Thánh rất “đời” như chưa từng biết cho đến khi đọc tác phẩm.

Ngoài “Đức Thánh Trần”, rất nhiều nhân vật có thật trong lịch sử, xuất hiện trong tác phẩm đều là những chân dung vừa quen vừa lạ, khá khác biệt với cái nhìn quen thuộc như trước đây. Họ không chỉ là những “thiên tướng”, “thần tướng”, “dị tướng”… mà rất “đời”, bởi những phẩm chất bình dị, ngay cả kẻ ác cũng có nhân tính.

Lịch sử là không xê dịch, nhưng văn chương lại có quyền tạo nên cái vỏ, cũng như làm đầy thêm, phong phú thêm bằng trí tưởng tượng và “công lực”, tài năng bút pháp của nhà văn mà lịch sử không thể làm được.

“Đức Thánh Trần” của nhà văn Trần Thanh Cảnh ở góc độ nào đó đã  tạo nên chân dung rất “đời” của một nhân vật lịch sử kiệt xuất, một anh hùng dân tộc, một Thánh nhân được người Việt tôn xưng là CHA, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, và rất trân trọng tác giả tái hiện lịch sử theo cách nhìn mới mẻ này./.

Theo CTV Hoài Hương/VOV.VN

Tệp đính kèm