Cập nhật: 11/02/2018 10:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðiểm sáng trong hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) địa phương năm 2017 là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH và CN, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng KH và CN để phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị. Kết quả cho thấy, một số địa phương đã nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực địa phương trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình) đã được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: ÐĂNG ANH

Nhờ kết quả nghiên cứu KH và CN về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn, với diện tích hơn 26 nghìn héc-ta cây ăn quả các loại như: vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo. Thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt hơn ba nghìn tỷ đồng/năm. Tỉnh Ðồng Tháp định hình được cây trồng thế mạnh của tỉnh là xoài Cát Chu, với gần 10 nghìn héc-ta, cho tổng thu nhập 2.300 tỷ đồng/năm, hiện đang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc ứng dụng KH và CN cũng thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị cây dừa với diện tích trồng lên tới 69 nghìn héc-ta, tạo ra hơn 30 sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu nhập đạt 5.400 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 13% số dân trong tỉnh Bến Tre.

Việc quan tâm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các địa phương đã đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đưa lại giá bán cao hơn nhiều lần so với khi chưa được cấp văn bằng bảo hộ. Chẳng hạn, cam Cao Phong (Hòa Bình) năm 2016 đạt hơn 23 nghìn tấn, năm 2017 đạt hơn 30 nghìn tấn. Sau khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, giá bán cam tăng lên, giúp người dân thu lãi từ 400 đến 600 triệu đồng/ha. Giá bưởi Tân Triều (Ðồng Nai) cũng tăng từ 20 đến 40% so với trước khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tích cực ứng dụng KH và CN vào sản xuất, tỉnh Hà Giang hiện có bốn sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà cao nguyên đá, hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Rui Xín Mần) và 92 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã nâng giá trị lên từ hai đến ba lần. Qua những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh nhận thấy, chỉ có thể phát triển nhanh kinh tế - xã hội bằng con đường của KH và CN; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là con đường duy nhất để nâng cao giá trị cho sản phẩm đặc sản.

Nhiều địa phương đã vào cuộc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ði đầu trong hoạt động này là TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An với việc hình thành các không gian làm việc chung nhằm tạo môi trường thuận lợi để ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hầu hết các địa phương đều có dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao với quy mô khác nhau, chủ yếu bằng công nghệ trong nước. Một số địa phương đã triển khai xây dựng đô thị thông minh để chủ động khai thác hiệu quả cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh cho rằng, hạn chế hiện nay là thị trường KH và CN phát triển còn chậm, thiếu các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung - cầu. Nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế, nguồn cầu cũng chưa nhiều do đổi mới công nghệ chưa trở thành nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, các địa phương cần quan tâm phát triển thị trường KH và CN. Các địa phương cần đi vào thực chất để có thay đổi rõ nét. Ngoài việc hỗ trợ môi trường thể chế, chính sách cho doanh nghiệp, cần gắn với hỗ trợ từ các chương trình KH và CN cấp tỉnh, quốc gia; có chính sách ưu đãi tín dụng; hỗ trợ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn quy chuẩn, nâng cao năng suất chất lượng... Bên cạnh đó, đẩy mạnh tư vấn môi giới thị trường công nghệ, xã hội hóa thị trường công nghệ. Cũng theo Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh, vài năm gần đây, doanh nghiệp đã chủ động tìm đến Sở KH và CN để tìm hiểu các vấn đề cơ chế, chính sách, hỗ trợ là một tín hiệu đáng mừng. Phát triển KH và CN phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, trong đó, có hai đối tượng doanh nghiệp cần tập trung, đó là doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt và doanh nghiệp đại trà. Thí dụ Viettel là điển hình về mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước có vai trò dẫn dắt, mở ra nhiều cơ hội cho các ngành phụ trợ; Vingroup là tập đoàn tư nhân kinh doanh, sản xuất ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực sản xuất ô-tô. Tất cả những tâm huyết này cần được nuôi dưỡng và bồi đắp để tạo đầu tàu thúc đẩy các doanh nghiệp phụ trợ đi theo. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực công nghệ cho khối doanh nghiệp.

Hoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, nhiều DN mong muốn sở KH và CN các địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, làm tốt hơn nữa vai trò đầu mối hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương. Ðồng thời, huy động cao nhất các nguồn lực để các nhiệm vụ khoa học được thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

 

Theo HÀ LINH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm