Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang cận kề. Bên cạnh niềm vui đón năm mới, nỗi lo thường trực không chỉ trong mỗi gia đình mà của cả đất nước là tai nạn giao thông (TNGT) vào dịp này thường tăng rất cao.
Sau mỗi kỳ nghỉ Tết, những con số thống kê TNGT của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại khiến chúng ta nhói lòng. Chỉ tính ba năm gần đây: năm 2015 có 536 vụ, làm chết 317 người, bị thương 509 người; năm 2016 có 284 vụ, làm chết 182 người, bị thương 275 người; năm 2017 có 368 vụ, làm chết 203 người, bị thương 417 người… Hầu hết các vụ nêu trên là tai nạn giao thông đường bộ.
Tai nạn giao thông ngày Tết tăng vì lưu lượng giao thông tăng cao hơn so với những ngày bình thường là rủi ro khó tránh khỏi. Nhưng thật đáng lo ngại, chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số nạn nhân TNGT là những người “quá ham vui”, đã sử dụng đồ uống có cồn trước khi ngồi sau tay lái. Khảo sát gần đây của một đơn vị độc lập cho thấy, 86% số lái xe được hỏi thừa nhận đã từng điều khiển xe sau khi uống rượu bia (con số này vào dịp Tết hẳn còn cao hơn nhiều!); 63% nghĩ rằng họ tự nhận thức được “giới hạn” của bản thân khi uống rượu bia trước khi điều khiển xe. Những lái xe này liệu có biết, theo thống kê, gần 40% số vụ TNGT ở nước ta có liên quan đến nồng độ cồn cao trong máu người điều khiển phương tiện giao thông hay không? Điều đáng suy nghĩ là đã có hơn một phần ba số người tham gia khảo sát cho rằng đó là hành vi có thể chấp nhận được trong văn hóa Việt Nam!
Cụm từ “văn hóa rượu bia” vốn chỉ được coi là cách nói vui trong dân gian chứ không được thừa nhận chính thức như khái niệm “văn hoá ẩm thực”. Hiểu một cách ngắn gọn, văn hóa phải là những giá trị tốt đẹp do con người tạo ra, được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Nhưng cũng có một cách tiếp cận khác, đó là những hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần, trong một thời gian dài và được số đông thừa nhận thì cũng được coi là văn hóa. Nếu chúng ta chấp nhận cách tiếp cận này thì từ đây có thể tìm những giải pháp, ứng xử phù hợp trước những sự việc, hiện tượng (bao gồm cả tích cực và tiêu cực) trong đời sống hiện đại. Hiện nay, khá đông lái xe cho rằng việc nhậu nhẹt quá đà rồi điều khiển là điều bình thường trong xã hội ta; dù biết hành vi này gây nguy hiểm cho bản thân, cộng đồng và bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng họ vẫn thực hiện! ĐỂ thay đổi hành vi sai trái, nguy hiểm (nhưng lại nguỵ biện là “văn hóa”), trước hết phải bắt đầu từ nhận thức. Mà thay đổi nhận thức lại là một quá trình đầy khó khăn. Thói quen “gặp nhau lần nào cũng rượu” trong ngày Tết của người Việt và quan niệm “nam vô tửu như kỳ vô phong”, lấy khả năng uống rượu để đánh giá “phong độ” đàn ông rồi ép nhau uống…, đã thâm căn cố đế, nên không thể thay đổi một sớm một chiều, hay giải quyết xong qua một vài chiến dịch. Việc này phải được tiến hành từ sớm, khi những công dân tương lai còn đang ngồi trên ghế nhà trường; phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục trên quy mô xã hội và lan tỏa đến từng cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giao thông.
Trong hoàn cảnh hiện tại, khi nhận thức chưa đủ mạnh để thay đổi hành vi thì việc sử dụng những biện pháp cưỡng chế đặc biệt nghiêm khắc là cần thiết. Nhìn ra các nước trong khu vực, nhiều nước đã áp dụng hình thức phạt tù giam, tịch thu phương tiện với người lái xe sau khi uống rượu. Nếu lái xe là người nước ngoài, vi phạm tội danh này, thậm chí sẽ bị trục xuất ngay lập tức; tài sản, tư trang, hành lý sẽ được trả về nước sau. Nhiều lái xe đã thú thực với chúng tôi rằng, hình phạt này đã khiến họ không dám, không muốn và không thể lái xe sau khi uống rượu bia. Không dám, không muốn vì sợ hình phạt; còn không thể vì những người đi cùng xe hoặc chứng kiến hành vi sai trái sắp xảy ra của lái xe như bạn bè, gia đình, người thân sẽ ngăn cản họ. Nếu người lái cứ “bướng bỉnh” không nghe thì họ sẽ từ chối ngồi trên chiếc xe đó. Ở nước ta, vai trò tác động của những người gần gũi với lái xe dường như chưa được thể hiện đầy đủ như cần phải có.
Để các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc phát huy tác dụng, một điều nữa cũng cần nhắc đến, đó là người thực thi xử phạt cũng phải nghiêm túc, không nể nang hay “thông cảm có điều kiện”, khiến luật bị nhờn. Đây cũng là một điều không dễ thực hiện ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, cần có quy định và hành động cảnh báo, hỗ trợ những người lái xe đã “trót vui” uống một vài ly. Tại các quán nhậu, cần có những khẩu hiệu, dòng tin nhắc nhở người lái xe nhớ “đã uống rượu thì không lái xe”. Nhiều thành phố lớn ở các nước trong khu vực không bán đồ uống có cồn trước 18 giờ. Liệu chúng ta có thể học tập, áp dụng quy định này được không? Một giải pháp khác là, người đã uống rượu bia thì nên sử dụng phương tiện thay thế như ta-xi, xe buýt hoặc gọi cho người thân hỗ trợ thay vì tự lái xe về nhà. Ở đây cần nhấn mạnh vai trò của những người thân; sự nhắc nhở, khuyên nhủ, thậm chí kiên quyết từ chối đi cùng với người lái xe đã uống bia rượu chắc chắn có tác động tích cực đến họ.
Cuối cùng, việc hạn chế TNGT vì uống rượu bia trong những ngày Tết chỉ có thể thực hiện được bằng sự tự ý thức của chính người lái xe. Uống rượu bia trong những bữa tiệc vui đón Tết, mừng Xuân là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt. Nhưng không được lạm dụng “văn hóa rượu bia” ở khía cạnh tiêu cực, bởi niềm vui của một người phải gắn với trách nhiệm; và lớn hơn trách nhiệm là tình cảm, trái tim của người lái xe vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng.
Theo LA PHÙ/nhandan.com.vn