Cập nhật: 11/02/2018 10:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Nếu như nhiều cơ quan, đơn vị có kế hoạch nghỉ Tết thì với các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện lại tất bật hơn vì phải chuẩn bị các phương án và sắp xếp lực lượng để sẵn sàng giải quyết các sự cố về sức khỏe cho người dân, từ cấp cứu nội khoa đến tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm...

Kiểm tra công tác bảo quản máu chuẩn bị phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh trong dịp Tết tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bệnh viện đều tổ chức trực bốn cấp: lãnh đạo, chuyên môn, hậu cần, bảo vệ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện bố trí khoảng 350 nhân viên y tế trực cấp cứu và khám, chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh khi đến đều sẽ được khám và điều trị kịp thời. Đáng chú ý, nhiều khoa, phòng, trung tâm của bệnh viện đều khám, chữa bệnh như bình thường. Riêng Khoa Cấp cứu mở thêm các phòng khám cấp cứu; Khoa Khám bệnh mở thêm bốn kíp khám với mười giường điều trị ban ngày… Bệnh viện cũng đã giao các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Truyền nhiễm, Nhi, Ngoại tổng hợp, Phẫu thuật thần kinh, Chấn thương chỉnh hình và Cột sống cùng Trung tâm Chống độc… sẵn sàng thu dung cấp cứu, điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt.

Ngoài ra, các Đội cấp cứu ngoại viện (là nhân viên y tế Khoa Cấp cứu, Trung tâm Chống độc, Viện Tim mạch và Khoa Truyền nhiễm) chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư tiêu hao… sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu trong xử lý các tình huống dịch bệnh, cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt.

Bên cạnh đó, đến thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai cũng chuẩn bị và dự trù đầy đủ thuốc, dịch truyền, máu, chế phẩm máu và hóa chất phục vụ người bệnh. Nhà thuốc bệnh viện bảo đảm hoạt động liên tục suốt 24 giờ. Các bộ phận phục vụ điện, nước, xăng dầu; xe cứu thương; xe vận chuyển người bệnh nội viện, đồ dùng kiểm soát nhiễm khuẩn; hệ thống phần mềm khám bệnh ngoại trú, điều trị nội trú, viện phí cũng đã được rà soát, kiểm tra… để phục vụ người bệnh kịp thời nhất.

Để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhi trong dịp Tết, Bệnh viện Nhi T.Ư đã lên các phương án về phân công nhân lực, chuẩn bị thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao và bố trí các cấp trực đầy đủ. Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển khẳng định bảo đảm đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn, dịch bệnh. Lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu các khoa: Cấp cứu - Chống độc, Khám bệnh, Phòng khám thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp vào viện cấp cứu nào; các vị trí trực phải có mặt đầy đủ, đúng giờ không được tự ý bỏ trực. Trong trường hợp cấp cứu không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý sơ cứu ban đầu trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Với việc tổ chức thành công Ngày Chủ nhật đỏ 2018, lượng máu tiếp nhận được lên tới gần 48 nghìn đơn vị thì lượng máu phục vụ cấp cứu và điều trị cho người bệnh trong dịp Tết này chắc chắn sẽ không thiếu. Viện trưởng Huyết học - Truyền máu T.Ư Bạch Quốc Khánh cho biết, Viện đã dành 16 nghìn đơn vị máu đủ để phục vụ điều trị, cấp cứu trong ba tuần trước, trong và sau Tết. Như vậy, có thể đây là Tết thứ hai không lo lắng xảy ra tình trạng thiếu máu.

Tại TP Hồ Chí Minh, các phương án cấp cứu, khám, chữa bệnh trong những ngày Tết cũng đã hoàn thành. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết: Trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018, tất cả các bệnh viện có Khoa Cấp cứu đều phân công y, bác sĩ ứng trực. Riêng Trung tâm cấp cứu 115 thành phố có 22 trạm vệ tinh 115 “phủ sóng” hầu khắp các vùng nội, ngoại thành, các khu dân cư và khu công nghiệp- khu chế xuất...; thuốc men, y, bác sĩ, xe cấp cứu tại các “trạm” luôn trong tư thế sẵn sàng. Ngoài ra, các bệnh viện: Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình cũng triển khai hiệu quả các khoa vệ tinh tại các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn... cho nên chắc chắn sẽ không còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung tâm trong dịp Tết. Mặt khác, theo bác sĩ Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP Hồ Chí Minh, lượng máu dự trữ cho dịp Tết này đã được chuẩn bị đủ. Không chỉ đủ về số lượng các nhóm, nhóm máu hiếm cũng sẽ không thiếu. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hành trình đỏ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hiếu cho biết, gần 50 thành viên chính thức và đông đảo cộng tác viên của câu lạc bộ luôn sẵn sàng hiến máu nếu như có yêu cầu từ các bệnh viện, kể cả ngày lễ, ngày Tết.

Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, để tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết cho người dân, Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các nội dung công việc. Trong đó, bố trí cán bộ trực bốn cấp tại đơn vị, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự. Chủ động đối phó với các dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra. Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám, chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu phải được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử lý chậm trễ… Tại các bệnh viện lớn của Đà Nẵng như Bệnh viện Đà Nẵng, Ung bướu, Phụ sản - Nhi, công tác bố trí trực Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã sẵn sàng. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh viện bố trí trực đầy đủ bốn cấp suốt 24 giờ, sẽ xử lý kịp thời các tình huống cấp cứu hàng loạt, dịch bệnh, ngộ độc. Bệnh viện giao Khoa Khám bệnh chịu trách nhiệm chủ yếu trong triển khai công tác cấp cứu người bệnh, bố trí 60 giường, 40 băng ca dự phòng tại Phòng Cấp cứu đa khoa, Khu chống dịch, Khoa Y học nhiệt đới. Bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu. Ban Giám đốc thường xuyên theo dõi, nắm tình hình người bệnh để điều tiết kịp thời các tình huống trong suốt thời gian Tết.

Không chỉ lo cấp cứu, khám, chữa bệnh, các bệnh viện cũng đều có các hoạt động động viên, hỗ trợ không để người bệnh không có Tết. Ngày 28 tháng Chạp, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai xuống từng khoa, phòng thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết tất cả người bệnh còn ở lại điều trị. Ngoài ra, bệnh viện cũng cùng các nhà tài trợ, nhà hảo tâm miễn phí khoảng 1.200 suất ăn cho người bệnh ở lại trong bốn ngày Tết (từ 30 tháng Chạp đến mồng 3 Tết). Ngày 28 tháng Chạp, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư tổ chức bữa cơm tất niên, tặng quà cho người bệnh phải ở lại điều trị dịp Tết. Ngày 27 tháng Chạp, Bệnh viện Nhi T.Ư phối hợp các nhà tài trợ tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” dành tặng hàng trăm suất quà cho các bệnh nhi và gia đình bệnh nhi ở lại ăn Tết trong bệnh viện. Chương trình được tổ chức với mục đích đem lại những món quà tinh thần, kịp thời động viên, chia sẻ và tiếp thêm nghị lực để gia đình bệnh nhi vượt qua những nỗi đau về bệnh tật.

Đáng chú ý, trước tình hình quá tải của các bến xe, sự khó khăn về tài chính và tình hình sức khỏe của người bệnh ung thư, nhằm tạo điều kiện cho người bệnh, người nhà người bệnh về quê đón Tết, Bệnh viện K phối hợp Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức 22 “Chuyến xe yêu thương” đi các tỉnh, thành phố đưa người bệnh, người nhà người bệnh về quê đón Tết. Chuyến xe cuối cùng sẽ rời bệnh viện vào sáng 29 Tết.

 

Theo HIẾU ANH ĐÀO/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm