Cập nhật: 12/02/2018 10:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Tết xuân Bính Tuất năm 1946 là Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên sau 80 năm bị đô hộ của nhân dân ta và cũng là một mốc dấu ấn lịch sử quan trọng của đất nước. Cùng với đó, năm Bính Tuất 1946 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn quan trọng mang tính quyết định với vận mệnh của dân tộc, đến nay đã qua trải qua 72 năm với công cuộc bảo vệ,  xây dựng và phát triển đất nước.  

Trong không khí chuẩn bị đón chào một mùa xuân tươi mới, mừng Đảng, mừng đất nước đang chuyển mình để chào đón vận hội mới… chúng ta cùng nhìn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra cách đây 72 năm.

Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội khóa I

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự như: Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… Nhìn chung, ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - công dân số 1 bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I

Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

 

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

 

Sau Tổng tuyển cử đã bầu ra 333 đại biểu Quốc hội

Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946

Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, với hiệp định này, Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, tài chính và quân đội riêng…

 

Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Từ trái qua phải: Hồ Chí Minh, Hoàng Minh Giám, Sainteny, Pignon, Caput

Bản Hiệp định quan trọng này đã tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho cuộc đấu tranh bằng con đường ngoại giao của Việt Nam những giai đoạn tiếp theo, mở ra những cơ hội, mở rộng khuôn khổ của những cuộc tiếp xúc Việt- Pháp như: Hội nghị trù bị Đà Lạt từ ngày 19/4 - 11/5/1946, chuyến thăm Pháp của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam từ ngày 25/4 - 16/5/1946, Hội nghị Fontainebleau từ ngày 6/7 - 1/8/1946, chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Tạm ước 14/9/1946...

 

Hồ Chí Minh và Marius Moutet bắt tay sau khi ký Tạm ước Việt - Pháp

Qua những hoạt động này, mặt trận đấu tranh bằng con đường ngoại giao được mở rộng, dư luận Pháp hiểu biết hơn về tình hình Việt Nam và quan hệ Pháp - Việt, chúng ta cũng tranh thủ thêm được thời gian để chuẩn bị lực lượng, đối phó với những âm mưu và hành động phá hoại Hiệp định sơ bộ của giới cầm quyền hiếu chiến Pháp.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Trong hoàn cảnh Chính quyền cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ,... đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, thực dân Pháp đã bội ước không thực hiện những điều đã ký trong Hiệp định sơ bộ ngày ngày 6/3/1946 và Tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946 ráo riết tăng cường lực lượng đến tháng 11/1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn người đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội.

 

Hà Nội hào hùng ngày toàn quốc kháng chiến

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đây là quyết định kịp thời mang tính chiến lược với ý chí: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Lời kêu gọi đã thể hiện một cách rõ ràng đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến và phương châm đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính.

Toàn văn Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến:

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946

Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng thì dùng súng. Ai có gươm thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!

ST

Tệp đính kèm