Cập nhật: 10/05/2025 07:59:00
Xem cỡ chữ

Nghệ thuật múa rối hình thành tại làng Bảo Hà và làng Nhân Hòa thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng là một trong những cái nôi của rối cổ Việt Nam.

Chú thích ảnh

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm (bên trái) và Nghệ nhân Bùi Trọng Ngoan là những cá nhân giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật múa Rối cổ tại Vĩnh Bảo. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Cùng với các phường rối cổ, Hải Phòng là một trong những địa phương hiếm hoi của cả nước duy trì Đoàn nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp (sau hợp nhất thuộc Nhà hát Sân khấu truyền thống Hải Phòng).

Tiếp nối mạch nguồn

Làng Bảo Hà, xã Đồng Minh (nay là xã Vĩnh Hải) và làng Nhân Hòa, xã Nhân Hòa (nay là Xã Vĩnh Hưng) là một trong những nơi đầu tiên của Việt Nam hình thành loại hình nghệ thuật múa rối.

Nghệ nhân Bùi Trọng Ngoan, Trưởng phường múa rối Minh Tân, xã Vĩnh Hải cho biết, nghệ thuật múa rối tại làng Bảo Hà khởi nguồn từ nghề tạc tượng, sau đó các nghệ nhân sáng tạo ra các con rối gỗ. Trong làng, có hai vị cao nhân đã được phong những danh hiệu cao quý là ông Tô Phú Vượng, được Vua Lê Dụ Tông tặng sắc phong là “Kỳ tài bá” năm 1737; ông Hoàng Đình Ức được phong làm “Cục phó Cục Tạc tượng” vào năm 1771. Với truyền thống quý báu, nghệ thuật múa rối thấm đẫm vào tinh thần của người dân địa phương và trở thành mạch nguồn duy trì nghệ thuật này đến tận ngày nay.

Nghệ nhân Bùi Trọng Ngoan đam mê với múa rối từ năm 17 tuổi. Ông cho biết, rối Bảo Hà là sản phẩm rất độc đáo. Các nghệ nhân chỉ sử dụng que trong (mọi hoạt động giấu trong con rối) để biểu diễn. Điều này đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo léo, sáng tạo từ khâu tạo hình con rối đến khi biểu diễn. Đến thời điểm này, những người còn theo đuổi nghệ thuật múa rối tại làng vẫn theo cách làm rối truyền thống, tạo các nhân vật gần gũi với đời sống tinh thần người Việt. Chính điều này đã đưa múa rối trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, giúp người dân và du khách hiểu về truyền thống sinh hoạt của người dân vùng lúa nước và hiểu về văn hóa của cha, ông.

Ông Đỗ Văn Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hải cho biết, nghệ thuật múa rối hình thành tại làng Bảo Hà từ khoảng 700 năm trước, do cụ Nguyễn Công Huệ bôn ba khắp nơi và đưa 4 nghề tạc tượng, sơn mài, điêu khắc và múa rối về địa phương. Trong những năm gần đây, địa phương đã phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa nghệ thuật múa rối trở thành sản phẩm du lịch độc đáo tại huyện Vĩnh Bảo, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Đỗ Văn Lâm bày tỏ mong muốn, thành phố, các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực để giữ gìn nghệ thuật múa rối độc đáo tại Bảo Hà, bởi giữ gìn nghệ thuật này cũng chính là giữ gìn truyền thống, lịch sử.

Cùng với làng rối Bảo Hà, tại Vĩnh Bảo còn có nghệ thuật trình diễn múa rối nước Nhân Hòa. Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, ngày 20/12/2019, nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối nước Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sức sống mới trong dòng chảy văn hóa hiện đại

Chú thích ảnh

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm hướng dẫn học sinh biểu diễn Rối. 

Nghệ sĩ Nhân dân La Viết Sinh là một trong những người đầu tiên thành lập Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng. Theo ông, thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến việc chăm lo đời sống tinh thần cho thiếu niên nhi đồng và đã chỉ đạo để thành lập các đoàn nghệ thuật phục vụ thiếu nhi. Từ thời điểm thành lập, Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn tại thành phố và các địa phương lân cận cũng như biểu diễn ở nước ngoài.

Một trong những buổi biểu diễn Nghệ sĩ Nhân dân La Viết Sinh không thể nào quên là vào năm 1991, Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng được sang biểu diễn tại Hoa Kỳ. Khi tiếng nhạc cất lên, khi những chú rối "bước ra" sân khấu, rất nhiều khán giả xa xứ đã khóc vì được lắng nghe tiếng nói và thấy hình ảnh của quê hương. Buổi biểu diễn là minh chứng, dù đi đâu, về đâu, văn hóa dân tộc là mạch nguồn trong trái tim của mỗi người Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Nhà hát Sân khấu truyền thống Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng thành lập ngày 1/6/1968. Trong suốt hành trình hơn nửa thế kỷ, Đoàn tổ chức nhiều chương trình phục vụ công chúng, chủ yếu ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai đất nước.

Hàng trăm vở diễn lớn nhỏ, chương trình tạp kỹ, chương trình múa rối nước đặc sắc của Đoàn đoạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các Liên hoan múa rối trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, những năm gần đây với xu thế hội nhập và phát triển kinh tế, Đoàn mở rộng công chúng tới các đoàn khách quốc tế tới thăm và ký kết, ngoại giao với thành phố Hải Phòng, khách du lịch trong và ngoài nước. Kết quả này có được từ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chú thích ảnh

Diễn viên La Quang Vũ đang tập luyện chuẩn bị cho vở diễn mới tại Nhà hát Sân khấu truyền thống Hải Phòng. 

Anh La Quang Vũ là một trong những diễn viên trẻ của Nhà hát Sân khấu truyền thống Hải Phòng cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, anh về công tác tại Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng. Sinh ra trong một gia đình gắn bó với nghệ thuật múa rối, khi dấn thân vào nghệ thuật này, anh Vũ đã không ngừng tự động viên bản thân vượt qua những khó khăn như: sự thầm lặng đứng trong tạo hình của những nhân vật rối, phải có thể lực thật tốt để điều khiển những con rối khi thì ở dưới nước, khi thì ở trên cạn, với độ cao rất thách thức.

Khi anh đóng vai Dế mèn trong vở rối “Dế mèn phiêu lưu ký”, do tạo hình của nhân vật rất to lớn, bàn chân to, nên khi bước từ độ cao xuống, anh rất khó khăn khi di chuyển và đã từng bị ngã. Động lực để vượt qua những khó khăn đó chính là tiếng vỗ tay của các khán giả nhí, những nụ cười thật tươi của các em ùa đến bên anh sau khi vở diễn kết thúc.

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, những năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, thành phố luôn quan tâm đầu tư để phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân với nhiều chính sách cụ thể, thiết thực. Các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố được ghi danh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống. Toàn thành phố hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Nghệ thuật múa rối truyền thống.

Bà Trần Thị Hoàng Mai khẳng định, múa rối là một trong những di sản tinh thần vô giá mà cha ông ta đã hun đúc qua bao thế hệ. Các giá trị nghệ thuật truyền thống này là thành tố đặc biệt để Hải Phòng gìn giữ những nét đặc trưng, riêng có, hội nhập với thế giới trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Theo Minh Thu (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/van-hoa/nghe-thuat-mua-roi-dac-trung-cua-thanh-pho-cang-20250509215413222.htm