Ngày giáp Tết, mọi người, mọi nhà tất bật thu xếp công việc cuối năm để đón Tết, thì cũng là lúc ngư dân ở các làng biển của tỉnh Phú Yên rộn rã chuẩn bị vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương đón lộc của biển.

Ngư dân Phú Yên chuẩn bị ra khơi.
Khơi thông luồng lạch
Cửa biển Ðà Diễn, TP Tuy Hòa, nơi đã từng nhấn chìm nhiều con tàu cố vượt cạn, những ngày giáp Tết đang dần được hé mở trước sự vui mừng khó tả của ngư dân. Trên các bãi cát bồi bên mép nước, hình ảnh những người phụ nữ, trẻ thơ từng giờ, trông ngóng người thân của mình trở về từ biển cả làm xốn xang lòng người. Ngoài cửa biển Ðà Diễn, những con tàu đầu tiên chở nặng cá ngừ đang rẽ sóng trở về trong mùa biển mới. Cảng hoạt động hối hả, tấp nập. Ðáng mừng hơn là dịp này giá cá ngừ ổn định, cá được các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu. Chuyến đi biển này, phần lớn các tàu đều đạt số lượng từ 30 đến hơn 50 con cá ngừ đại dương, tương đương từ 1,5 đến 2 tấn cá. Với mức giá hiện tại, mỗi chủ tàu lãi ít nhất từ 60 đến 100 triệu đồng, mỗi người cùng đi cũng được chia từ 5 đến bảy triệu đồng.
Phó Ban lạch phường Phú Ðông, TP Tuy Hòa, Huỳnh Nuồng cho biết: Mấy đợt triều cường và cơn bão số 12 đã khiến cửa biển Ðà Diễn và lạch vào cảng cá Ðông Tác bị bồi lấp quá nặng, tàu thuyền ra vào không được. Trước tình hình khẩn cấp, thành phố và tỉnh vận động doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu tự bỏ kinh phí để nạo vét cát thông luồng, cho nên người dân rất mừng vì nếu tàu thuyền phải đến cảng cá khác neo đậu sẽ tốn chi phí lớn…
Càng gần Tết, mặc dù sóng to, gió lớn, nhưng xáng cạp của Doanh nghiệp Bảo Châu vẫn hoạt động suốt ngày đêm, múc từng gàu cát, tạo một luồng lạch rộng 20 m, sâu 3 m, đủ để những con tàu có công suất từ 90 đến 400 sức ngựa vượt cửa biển Ðà Diễn lướt sóng ra khơi an toàn và những con tàu chở nặng cá ngừ đầy khoang cập cảng cá Ðông Tác.
Theo Phó Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu Ðặng Văn Cần, doanh nghiệp đã tự bỏ kinh phí khoảng 2 tỷ đồng, đưa xáng cạp múc cát sang vị trí khác để thông luồng tạm thời. Việc nạo vét được tiến hành khẩn trương, liên tục cho đến khi nào các tàu thuyền công suất lớn ra vào được mới thôi. Thời gian có thể kéo dài đến sau Tết Nguyên đán.
Vươn khơi bám biển
Cũng như bao người phụ nữ khác ở làng biển, từ bao đời nay, cận Tết cũng là ngày bà Nguyễn Thị Ðào, ở phường 6, TP Tuy Hòa nghẹn ngào tiễn người thân vượt cửa Ðà Diễn vươn khơi bám biển, mà người dân quen gọi là "bỏ Tết" theo luồng cá dưới lòng biển sâu, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, "cánh đồng" cá ngừ giữa lòng đại dương. Bà Ðào tâm sự: "Ai cũng muốn sum vầy bên gia đình, nhưng do mưu sinh cho nên tôi vẫn lo cho người nhà bám biển trong dịp Tết để mong hưởng lộc biển được nhiều, giúp gia đình vượt qua khó khăn".
Nói là "bỏ Tết", nhưng trên những boong tàu của ngư dân vẫn có đầy đủ thịt, bia, rượu, bánh, kẹo... Vui hơn là năm nay nhiều chủ tàu còn tạm ứng tiền, hay lì xì cho ngư dân để sắm thêm đồ Tết cho gia đình và cho riêng mình ăn Tết tươm tất trên biển khơi. Nhưng có lẽ phấn khởi nhất là năm nay là họ luôn được chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, Nghiệp đoàn nghề cá dõi theo từng hải lý và sản lượng đánh bắt, động viên, chia sẻ niềm vui, mang không khí xuân từ đất liền ra biển qua hệ thống thông tin liên lạc.
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa Phan Thuẫn chia sẻ: Anh em đang cố gắng bám biển trong những ngày Tết để mong hưởng được nhiều lộc của biển. Trong những ngày cuối tháng Chạp đã có gần 10 tàu trên tổng số 182 tàu cá của ngư dân phường 6 phấn khởi, tự tin ra khơi đánh bắt qua Tết Nguyên đán, vui vẻ đón xuân trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không chỉ những con tàu 67 vừa được đóng mới, mà cả những con tàu của ngư dân tự bỏ vốn đầu tư cũng lần lượt nối đuôi nhau lướt sóng vươn ra biển lớn, hy vọng thời tiết thuận lợi, trúng đậm mẻ cá ngừ đầu năm Mậu Tuất 2018.
Ðối với ngư dân, trời yên, biển lặng là điều họ cầu mong nhất. Tết trên biển cả càng vui hơn nếu gặp những ngày như thế. Họ xuất phát theo từng tổ đội tàu thuyền rồi phân vùng đánh bắt ở khơi xa, nhưng đúng giờ giao thừa, các tàu cặp lại với nhau cùng chung vui đón xuân đầu năm cho đến hết ngày mồng 1 Tết, mà không quên gọi điện về gia đình chúc tụng, thông tin về biển cả để mọi người yên lòng. Ðến ngày mồng 2 Tết, hoạt động đánh bắt tiếp tục trở lại bình thường. Nếu trúng luồng cá, các tàu sẽ cập bến trước mồng 10 tháng Giêng.
Thêm một mùa biển mới đến với ngư dân Phú Yên, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của các chính sách phát triển thủy sản và an ninh hàng hải, gặp trời yên, biển lặng, ngư dân tiếp tục gặt hái được nhiều "lộc biển" trong năm mới.
Theo NGUYỄN HỒNG/nhandan.com.vn