Sau khi chứng kiến một năm rưỡi tăng trưởng vượt bậc, sự sụt giảm về giá các loại chip nhớ (chủ yếu gồm DRAM và NAND), cùng với ước tính lợi nhuận từ mảng chip nhớ của Samsung Electronics thấp hơn kỳ vọng, đang làm nhụt chí những nhà đầu tư đã đặt cược rằng sự bùng nổ của thị trường này sẽ kéo dài ít nhất một năm nữa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Asia Times)
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thị trường này không có khả năng sụp đổ đột ngột, và 2018 sẽ là một năm tương đối ổn định cho các nhà sản xuất chip nhớ.
Chip nhớ flash NAND và DRAM
Chip nhớ flash NAND là công nghệ chip nhớ phổ biến đang được sử dụng trên các thẻ nhớ SD, ổ cứng SSD trong các máy tính xách tay và để bàn, cũng như trong smartphone. Chip NAND hoạt động dựa trên một loạt các bóng bán dẫn (còn gọi là khối bộ nhớ) bên trong được gán giá trị "mở" và "đóng." Các khối bộ nhớ này được bố trí theo kiểu hai chiều và được xếp cạnh nhau. Công nghệ càng ngày càng phát triển và các nhà sản xuất đã có thể đặt thêm vào nhiều bóng bán dẫn hơn, giúp tăng dung lượng của chip nhớ.
Một trong những dòng chip tiên tiến nhất trên thế giới, 3D V-NAND, do Samsung Electronics phát triển hiện có thể đạt dung lượng lưu trữ tối đa ở mức 1 terabit (Tb) với 64 lớp chip nhớ, mỗi lớp có dung lượng 16 Gb được xếp chồng lên nhau. Nhờ đó, nhà sản xuất có thể tận dụng tối đa không gian của một chip nhớ mà không phải tăng kích cỡ chip, cũng như không ảnh hưởng đến thiết kế của các sản phẩm sử dụng chip như laptop, smartphone và máy tính bảng (tablet).
Trong khi đó, bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) là một trong những linh kiện quan trọng của máy tính và smartphone. Theo lý thuyết, DRAM (hay RAM động) là một loại bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên và tạm thời, lưu mỗi bit dữ liệu trong một tụ điện riêng biệt trên một mạch tích hợp. Vì các tụ điện bị rò điện tích nên thông tin lưu trữ sẽ bị mất dần, trừ khi dữ liệu được nạp lại đều đặn. Đây là điểm khác biệt so với RAM tĩnh (SRAM) khi bộ nhớ loại này vẫn lưu dữ liệu nếu có điện.
Ưu điểm của DRAM là có cấu trúc đơn giản khi chỉ cần một transistor và một tụ điện cho mỗi bit dữ liệu, trong khi cần sáu transistor đối với SRAM. Điều này cho phép DRAM lưu trữ dữ liệu với mật độ cao.
Nhắc đến DRAM thì một yếu tố được quan tâm hàng đầu chính là dung lượng. Dung lượng DRAM dùng cho điện thoại trước đây chỉ 256MB, thì hiện tại con số này đã là 1GB, 2GB, thậm chí 4GB, không kém gì một chiếc máy tính cá nhân.
Hồi cuối tháng 12/2017, Samsung Electronics đã thông báo bắt đầu sản xuất đại trà bộ nhớ DDR4 DRAM 8 Gigabit (Gb) loại 10 nano mét (nm) thế hệ 2. Với mục đích ứng dụng trong một loạt các hệ thống máy tính thế hệ mới, DDR4 8Gb có hiệu năng và khả năng tiết kiệm năng lượng tốt nhất đối với một chip DRAM 8Gb, cũng như với kích thước nhỏ nhất.
Với những bước tiến này, Samsung hiện đang đẩy nhanh kế hoạch giới thiệu chip và hệ thống DRAM thế hệ mới, bao gồm DDR5, HBM3, LPDDR5 và GDDR6 để sử dụng trong các máy chủ doanh nghiệp, thiết bị di động, siêu máy tính, hệ thống tính toán hiệu năng cao (HPC) và bo mạch đồ họa tốc độ cao.
Thời kỳ bùng nổ chưa kết thúc
Ngành công nghiệp chip nhớ trị giá 122 tỷ USD này đã tận hưởng thời kỳ hoàng kim kể từ giữa năm 2016 khi chỉ riêng trong năm 2017 đã chứng kiến mức tăng trưởng doanh số bán gần 70% nhờ sự phát triển mạnh mẽ của smartphone và các dịch vụ điện toán đám mây - vốn ngày càng yêu cầu những loại chip mạnh hơn để có thể xử lý và lưu trữ nhiều dữ liệu hơn.
Các nhà phân tích cho biết sự bùng nổ hồi năm ngoái của thị trường đã giúp các nhà sản xuất chip có thể tái đầu tư và gia tăng sản lượng. Đặc biệt, nguồn cung chip nhớ NAND dự kiến sẽ tăng 43% trong năm 2018, cao hơn so với con số 34% của năm ngoái, theo ước tính của công ty tài chính Nomura. Song điều này cũng khiến giá chip NAND ước giảm khoảng 10%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TechPowerUp)
Bên cạnh đó, Nomura dự báo các công ty Western Digital, Toshiba Corp và Micron Technology sẽ dẫn đầu làn sóng gia tăng sản lượng, giữa lúc những công ty này đang tìm cách bắt kịp “đại gia” Samsung, vốn chiếm tới 40% thị phần trên thị trường chip nhớ toàn cầu.
Còn theo phân tích của BNP Paribas, số lượng chip nhớ DRAM thế hệ mới được tung ra vào quý 4/2017 ước tăng 38% so với hồi quý 2/2016, trong khi đó lượng chip NAND có dung lượng tính bằng gigabyte tăng tới 84% trong cùng giai đoạn.
Nhu cầu ổn định sẽ giúp ngành sản xuất chip nhớ duy trì lợi nhuận trong năm nay. Trong khi đó, việc các nhà sản xuất chip tăng cường đầu tư vào công nghệ tiên tiến hơn sẽ giúp họ cắt giảm chi phí sản xuất và có lợi nhuận ngay cả khi giá chip đi xuống.
Trong khi thị trường flash NAND có thể suy giảm nhẹ, thị trường chip nhớ DRAM, lớn hơn thị trường của NAND khoảng 20 tỷ USD, được nhận định là hạn chế hơn. Giá DRAM dự kiến sẽ tăng gần 9% vì thiếu nguồn cung khá nghiêm trọng.
Theo công ty Nomura, các nhà sản xuất DRAM sẽ có thể tăng gấp bốn lần đầu tư cho sản xuất, từ mức 10 tỷ USD hồi năm 2016 lên 38 tỷ USD tính chung cho cả năm 2017 và 2018.
Những nhận định lạc quan trên đang tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư vào triển vọng dài hạn của ngành công nghiệp đầy tiềm năng này trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0./.
Theo H.THỦY (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/trien-vong-lac-quan-cho-thi-truong-chip-nho-toan-cau-nam-2018/488771.vnp