Đối với mỗi người dân Việt Nam, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Mỗi độ Xuân về, từ đô thị đến nông thôn, từ vùng đồng bằng đến vùng núi cao, lễ hội được tổ chức để đón mừng năm mới, tưởng nhớ tổ tiên và người có công với cộng đồng, và cũng là dịp để mọi người vui chơi, giải trí sau một năm lao động, sản xuất.
Trẩy hội chùa Hương trên suối Yến. Ảnh: MINH HÀ
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành văn hóa, cả nước có gần 8.000 lễ hội lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình.
Bà Hoàng Thị Thu, ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “Đêm 30 Tết, khi cúng gia tiên tại gia đình xong, tôi và các con lại lên đền, chùa gần nhà để thắp nén hương, xin thầy viết cho lá sớ đầu năm. Cầu sức khỏe, bình an cho mọi người trong gia đình, cho những người thân. Mỗi khi đến đây, tôi cảm thấy lòng rất thư thái, nhẹ nhõm. Đến với khung cảnh đền chùa, dường như bản thân quên hết những mệt nhọc, vất vả của cuộc sống thường ngày, chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp, mong muốn hướng tới những việc thiện”. Cũng như một thói quen, nhiều người cho rằng đi lễ, chùa đầu năm không chỉ để cầu nguyện, mà đó còn là khoảng thời gian để con người tĩnh tâm hướng về cõi Phật. Mỗi người đến chùa với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Chị Trần Thị Hoài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: “Những ngày đầu năm mới gia đình tôi lại thường hành hương về chùa Hương ở Mỹ Đức (Hà Nội). Đến vãn cảnh chùa, tôi thấy lòng thảnh thơi, cầu phúc, lộc, bình an... mong một năm mới thuận buồm xuôi gió. Lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa độc đáo của người Việt, vậy nên tôi thường cho các con đi cùng để các cháu hiểu biết thêm về văn hóa và truyền thống của dân tộc. Song, quan trọng hơn cả, là đến những chốn linh thiêng mỗi người trong gia đình tôi đều tìm được sự thư thái cho tâm hồn.
Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực của lễ hội đầu năm, theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nét đẹp văn hóa của một số lễ hội đang ngày càng biến tướng. Tại rất nhiều lễ hội diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp lộc, đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước hết phải kể tới việc một số người lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, “buôn thần, bán thánh”, tổ chức đánh cờ bạc, trục lợi từ lễ hội, gây lãng phí thời gian, phung phí tiền bạc vào vàng mã và lễ vật. Cùng với đó là một số hành vi ứng xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng, nâng giá bắt chẹt khách thập phương, xâm hại các công trình văn hóa, gây ùn tắc giao thông... Khách vào lễ chùa, tham quan các lễ hội thì nhiều, người buôn bán ở đây mặc sức chèo kéo. Rồi hàng loạt dịch vụ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu khách như giữ xe, viết sớ tấu, xóc quẻ, bán mâm lễ, khấn hộ... Dịch vụ nào cũng nhân dịp Tết, dịp lễ hội tha hồ “chặt chém” khách đi lễ. Tình trạng móc túi, cướp giật, cờ bạc, bói toán mê tín dị đoan trước cổng chùa, khu vực chung quanh lễ hội xuất hiện tràn lan. Hiện nay, lễ hội chùa Hương, Phủ Dầy, Yên Tử... vẫn còn nổi lên một số vấn đề, đó là: Số lượng du khách tăng nhanh đến mức đột biến, làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý, một số lễ hội dân gian có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống.
Mùa Xuân đã đến, trong mỗi con người đều mang một ý nguyện chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với đức Phật, tổ tiên. Để lễ hội của người Việt trở thành một nét văn hóa tốt đẹp, các địa phương cần xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; chấm dứt nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức. Sắp xếp lại các hàng quán, bảo đảm sự tôn nghiêm của di tích, các địa phương cần có kế hoạch đổi mới nâng cao công tác quản lý di tích văn hóa quản lý lễ hội trên địa bàn. Để các lễ hội được tổ chức đúng với ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng mà nó vốn có, cần có sự vào cuộc nghiêm túc, có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội, nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, của cả cộng đồng và xã hội đối với những hoạt động có ý nghĩa nhân văn này.
Giữ gìn nét văn hóa trong lễ hội cũng là cách để mỗi người dân trải nghiệm đời sống nội tâm sâu lắng hơn. Mỗi người dân, mỗi du khách hành hương, khi đi lễ chùa, tham gia các lễ hội đều tìm hiểu về di tích nơi mình đến, cách hành lễ sao cho đúng nơi, đúng cách.
THÍCH THANH NHÃ
(Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hà Nội)
Lễ hội đầu năm là một nét văn hóa riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nó chỉ thật sự đẹp khi mỗi người đến với lễ hội đó với một tâm thành và ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc.
HOÀNG VÂN
(Nhà nghiên cứu văn hóa)
Theo KIM OANH/nhandan.com.vn