Cập nhật: 25/02/2018 11:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê từ Bộ Y tế, những năm gần đây, số lượng các vụ ẩu đả trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán đều tăng mạnh so với ngày thường, trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng gần 1.000 vụ đến mức phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Mặc dù số lượng năm nay đã giảm, chỉ có hơn 4.100 người bị thương do ẩu đả, đánh nhau phải vào viện trong sáu ngày Tết (từ 30 tháng Chạp đến mồng 5 Tết) so với số lượng gần 6.000 người cùng kỳ năm 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú lại tăng 14,6%, trong đó có 600 ca nặng phải chuyển tuyến và 13 người chết.

Trong số người phải vào viện, có đến 70% là ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi cùng một tỷ lệ đáng kể người trẻ từ 16 đến 20 tuổi và phần lớn vụ việc xảy ra ngay ở nhà. Tuy gọi là giảm, nhưng con số thống kê vẫn cho thấy một hiện trạng bạo lực gia đình, xã hội đáng lo ngại ở những người trẻ tuổi, trái ngược quan điểm đạo đức và đạo lý truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc trong dịp đón Tết, vui Xuân vốn là dịp để đoàn viên, họp mặt gia đình và hướng về những điều tốt đẹp, nhân văn.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ việc nêu trên là xuất phát từ sự lạm dụng đồ uống có cồn, nhất là ở giới trẻ. Việc mời nhau chén rượu, ly bia trong dịp vui Tết là chuyện bình thường, nhưng khi sử dụng quá mức và ép nhau uống đến say thì lại là chuyện khác. Tệ hơn, còn hình thành một nếp uống rượu không được văn hóa cho lắm là người vẫn tỉnh trong cuộc vui thường rất hứng khởi bởi cho rằng mình đã thắng và có tửu lượng hơn hẳn người say. Với những người có nhiều hơi men, "rượu vào, lời ra", bao ấm ức, tức tối được dịp giãi bày, lời nói, hành vi cũng khó kiểm soát, dễ dẫn đến xung đột, ẩu đả với những người chung quanh, thậm chí với bạn bè và ngay cả với những người thân, họ hàng trong gia đình. Ngoài rượu, bia, còn có nhiều nguyên nhân khác như các mâu thuẫn về kinh tế, nợ nần, cờ bạc, va chạm trong đi lại, rồi lối ứng xử thiếu tế nhị và các xích mích thường ngày trong sinh hoạt không được hóa giải… Tất cả được dồn lại trong dịp cuối năm khi mức độ giao tiếp tăng lên và mọi người gặp gỡ nhau nhiều hơn.

Nói và nhìn vào thực tế thống kê thì như thế, nhưng không thể hiểu theo kiểu cho rằng đó là tính cách chung và người Việt Nam hiện nay dễ nổi nóng, hung hăng như một số ý kiến đánh giá thiển cận và thiếu suy xét. Có thể khẳng định, đó chỉ là một bộ phận nhất định chứ không phải số đông và lối hành xử của những người này nhiều khi có tính bột phát, chứ không chủ ý. Tất nhiên cũng có các biểu hiện thuộc về tính cách đối với những người thường xuyên quá khích, lệch chuẩn về nhân cách, thể hiện ở lối sống và cung cách ứng xử thiếu văn hóa, côn đồ. Dù là bột phát, thiếu cân nhắc hay như một dạng tính cách thì các hành vi nêu trên đều có những nguyên nhân sâu xa về mặt tâm lý xã hội. Những thua thiệt, thất bại, bế tắc trong cuộc sống, chuyện tình cảm và các mâu thuẫn gia đình, xã hội, môi trường giáo dục và sinh sống để họ trưởng thành…, tất cả đã tạo thành áp lực tâm lý cần giải quyết hay cần được "xả" ra trong dịp cuối năm khiến nhiều người, trong đó có không ít bạn trẻ thiếu kỹ năng ứng xử đã không kiềm chế được và hành xử một cách bột phát, thô bạo. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố bạo lực như phim ảnh, rồi cả lễ hội cũng có không ít tập tục lạc hậu, tranh cướp lộc, đối xử tàn nhẫn với vật nuôi, thậm chí là đánh nhau "để lấy hên đầu năm",... cũng là môi trường khuyến khích, dung dưỡng cái ác, làm nảy sinh bạo lực ở giới trẻ và cả cộng đồng.

Từ số liệu thống kê các vụ việc đánh nhau phải vào viện trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, nhiều chuyên gia tâm lý và y tế cho rằng đã đến lúc phải có những điều tra xã hội học nghiêm túc, tìm hiểu rõ nguyên nhân và có những giải pháp phù hợp để loại bỏ tình trạng này. Trong đó có những đề xuất triển khai thực hiện nghiêm việc quản lý sử dụng rượu, bia theo độ tuổi ở Việt Nam như các quy định của luật pháp, có biện pháp giảm việc sử dụng rượu, bia; tập trung giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống cho nhân dân ở các vùng miền… Tuy nhiên, mấu chốt giải quyết hiện trạng bạo lực phải chính từ trong mỗi gia đình và nhà trường cho đến xã hội nói chung, để có được môi trường giáo dục hướng thiện, giúp các bạn trẻ có thể tiếp thu những giá trị đạo lý truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, ứng xử với nhau một cách có văn hóa, qua đó có thể tự mình hoàn thiện nhân cách, biết cân nhắc và kiềm chế trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Khi toàn xã hội cùng với từng cộng đồng dân cư và gia đình nơi mỗi người sinh sống vào cuộc, xây dựng một môi trường sống tốt đẹp, làm lan tỏa rộng rãi các giá trị nhân văn, nhân rộng hơn gương người tốt, việc tốt, hướng các bạn trẻ đến những nhận thức và việc làm không chỉ vì mình mà còn vì mọi người, thì có lẽ lúc đó, bạo lực sẽ không còn điều kiện để tồn tại.

 

Theo TIẾN CƯỜNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm