Cập nhật: 27/02/2018 11:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại Triển lãm Di động toàn cầu (MWC) 2018 tại Barcelona (Tây Ban Nha), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đem tới 8 sản phẩm, giải pháp do đơn vị này tự nghiên cứu phát triển thuộc nhiều lĩnh vực như giáo dục, an ninh mạng, du lịch… đã được triển khai thành công tại Việt Nam và một số thị trường quốc tế.

 

Gian hàng của Viettel tại MWC 2018 thiết kế từ ý tưởng từ hình nón lá của Việt Nam. (Nguồn: Viettel)

Viettel cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tổ chức gian hàng tại MWC 2018.

Theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel, đơn vị này mong muốn mang tới MWC 2018 cái nhìn khác về cuộc cách mạng 4.0 và Việt Nam có thể tạo ra các sản phẩm công nghệ cạnh tranh được với thế giới nhờ tiếp cận từ các nhu cầu của cuộc sống.

Các sản phẩm của Viettel đem đến MWC 2018 là Data Monitoring - Hệ thống giám sát chất lượng mạng di động. Nhờ hệ thống này, Viettel hiểu trải nghiệm của từng khách hàng về dịch vụ của mình, từ đó có thể tìm ra giải pháp tối ưu hoá mạng lưới và thiết kế dịch vụ phù hợp với thói quen, sở thích của từng khách hàng.

Tiếp theo là Hệ thống phát hiện bất thường mạng viễn thông (TAD). Đây là nhóm sản phẩm đang bảo vệ hơn 90 triệu khách hàng tại 9 quốc gia và 3 châu lục mà Viettel đang kinh doanh. TAD giúp bảo vệ sự an toàn cho mạng lõi báo hiệu viễn thông, giúp thuê bao di động tránh khỏi các nguy cơ bị theo dõi vị trí, nghe trộm, giả mạo số di động, đánh cắp tiền trong tài khoản…

Trong khi đó, giải pháp bảo mật Viettel Mobile Security (VMS) dành cho thiết bị di động, chủ động bảo vệ thiết bị, ngăn chặn mã độc từ xa, trước khi kẻ xấu tiếp cận đến thiết bị. Khác biệt của VMS là cung cấp giải pháp bảo vệ 2 lớp (lớp thiết bị và lớp mạng lưới), với năng lực xử lý lên tới 65 tỷ event/ngày giúp phát hiện hàng triệu cuộc tấn công qua hình thức lừa tải ứng dụng độc hại (Dive-by Download Attacks), trong khi hầu hết các sản phẩm cùng loại hiện nay chỉ bảo vệ ở lớp thiết bị.

Viettel Cloud Security là giải pháp an ninh mạng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với nhiều dịch vụ như bảo vệ website, bảo vệ Email, bảo vệ chống tấn công DDoS… Các giải pháp bảo vệ khách hàng của Viettel không cần quan tâm đến thiết bị đầu cuối là gì, bởi bản chất là nhà mạng nhìn các dấu hiệu bất thường trên hệ thống để xử lý.

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải (thứ hai từ trái sang, hàng đầu tiên) thăm gian hàng của Viettel. (Nguồn: Viettel)

Một giải pháp khác là Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS 3.0. Hệ thống của Viettel có dung lượng tới 24 triệu đầu số/site. Tính năng đặc biệt nhất mà vOCS 3.0 có là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước riêng biệt. Hiện tại, hệ thống này đã đươc triển khai tại 6 quốc gia, quản lý 140 triệu thuê bao.

Cùng lúc, các sản phẩm khácmà Viettel mang tới MWC 2018 là Bankplus, VR (du lịch thực tế ảo), mạng xã hội học tập trực tuyến…

Đại diện Viettel cho hay, bên cạnh việc tiếp cận giới thiệu các giải pháp công nghệ, MWC là cơ hội để đơn vị này gặp gỡ, kết nối và mở ra các hoạt động hợp tác, đầu tư cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực Di động toàn cầu. MWC hàng năm thu hút 200 quốc gia (trong đó 60% đến từ thị trường châu Âu, 18% đến từ châu Mỹ và 15% đến từ châu Á…), hơn 2.200 gian hàng triển lãm và 3.800 cơ quan truyền thông quốc tế./.

Theo YÊN THỦY (VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/diem-danh-nhung-cong-nghe-viettel-dem-den-trien-lam-mwc-2018/489923.vnp

Tệp đính kèm