Từ lâu, nhiều người dân Việt Nam có tục đốt vàng mã để thể hiện sự giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên. Mỗi dịp Tết đến xuân về hay vào ngày cúng giỗ, người ta đặt vài tập tiền vàng mã lên bàn thờ và lễ xong thì "hóa" để tưởng nhớ tri ân gia tiên, những người đã khuất.
Tuy nhiên, hiện nay, tập tục này đang có chiều hướng bị lạm dụng quá đà, gây phản cảm, sai lệch bản chất, giá trị. Chạy theo quan niệm "trần sao âm vậy" và tâm lý đám đông, không ít người đã bỏ ra hàng trăm nghìn, thậm chí hàng chục triệu đồng để "gửi đồ" cho người đã khuất bằng cách đốt cả đồ mã là nhà lầu, xe hơi, ti-vi, tủ lạnh, ipad, iphone, thậm chí là cả người giúp việc… nhằm cầu xin bình an, tài lộc. Sự thái quá này không chỉ trở thành hành vi mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh mà còn gây lãng phí, tốn kém, ô nhiễm môi trường và nhất là nguy cơ mất an toàn do cháy nổ.
Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và của có nguyên nhân từ đốt vàng mã. Năm 2016, xe bồn chở gần 23 nghìn lít xăng ở Quảng Ninh đã bị thiêu rụi bởi tàn lửa vàng mã. Mới đây nhất, ngày mồng 5 Tết Mậu Tuất, khi mùa lễ hội vừa bắt đầu, mười gian hàng chuyên bán vàng mã, đồ lễ trong khuôn viên đền Mẫu, thị trấn Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) đã bị cháy rụi…
Ðể việc thực hành tín ngưỡng, tổ chức lễ hội bảo đảm tính văn minh, tiết kiệm, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và người dân loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Thực ra, không phải đến thời điểm này, việc kêu gọi hủy bỏ đốt vàng mã mới được nhắc tới. Những năm trước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều ban hành công văn gửi các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã. Thậm chí, Nghị định 75/2010/NÐ-CP của Chính phủ còn nêu rõ sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi đốt vàng mã tại lễ hội, di tích lịch sử văn hóa, nơi công cộng. Song, dường như những quy định này vẫn chưa đủ mạnh để hạn chế thói quen đốt vàng mã tràn lan khi đi chùa, đi lễ của đông đảo người dân. Vì thế, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ việc đốt mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo là động thái tích cực trong việc bảo đảm văn minh, tránh lãng phí trong thực hành tín ngưỡng. Mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 669/BVHTTDL-VHCS ngày 27-2-2018 gửi các sở văn hóa, thể thao và du lịch, sở văn hóa và thể thao, sở du lịch các tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện Công điện số 240/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó yêu cầu các sở, đơn vị cần đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đồ mã tại các cơ sở thờ tự và lễ hội.
Người xưa có câu "lễ bạc lòng thành", ý nói cái tâm là quan trọng, không phải cứ thờ cúng mâm cao cỗ đầy mới được ban phước lộc. Vì thế, việc chạy đua sắm sửa đồ vàng mã đồ sộ hoành tráng để "mua chuộc" người âm thực chất là hình thức trục lợi, mê tín dị đoan cần được bài trừ. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia văn hóa, đây là tập tục đã hình thành và lưu truyền từ lâu cho nên không thể loại bỏ một sớm một chiều. Ðể thay đổi nhận thức của xã hội, nhất là khi đã trở thành thói quen cần có quá trình. Khâu đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, vận động để người dân không đốt vàng mã tràn lan; kiên quyết ngăn chặn việc buôn bán, sử dụng vàng mã ở các cơ sở thờ tự, địa điểm công cộng và tư gia. Muốn làm được điều này, bên cạnh quyết tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, còn cần sự vào cuộc của các tôn giáo khác và các ban, ngành chức năng; sự chung sức đồng lòng của các nhà văn hóa và hưởng ứng của toàn xã hội.
Theo ÐẮC LINH/nhandan.com.vn