Theo thống kê, trong năm 2017, đã có 160 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm 133 người chết, 50 người bị thương, chủ yếu do lỗi người đi đường vượt gác chắn, qua đường ngang không quan sát, không chấp hành hiệu lệnh của người cảnh giới. Hệ thống hạ tầng đường sắt còn nhiều bất cập với hơn 4.200 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, cộng thêm ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân còn kém là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ TNGT đường sắt đáng tiếc trong thời gian qua.
Tại ngã ba Ngọc Hồi - đường 70 (Hà Nội), dù rào chắn đã đóng lại nhưng nhiều người vẫn cố cho xe vượt qua khi tàu hỏa đến.
Tràn lan vi phạm
Ngày 26-2 vừa qua, trên đường Lê Duẩn (Hà Nội) tại nút giao Xã Đàn - Đại Cồ Việt, một người đàn ông đi bộ qua đường sắt đã bị tàu hỏa chạy tuyến Hà Nội - Vinh (Nghệ An) tông trúng, phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, tuy rào chắn tàu hỏa đã được kéo lại nhưng người đàn ông này vẫn cố tình đi bộ vượt qua. Đây là vụ tai nạn đường sắt thứ hai trong tháng 2 tại khu vực đường Lê Duẩn, Đại Cồ Việt, Xã Đàn (Hà Nội). Trước đó, vào ngày 6-2, tàu hỏa mang số hiệu SE 08 chạy từ ga Vinh đến ga Hà Nội, khi chạy đến số nhà 378 đường Lê Duẩn đã va vào người đi bộ cố tình vượt đường ngang dân sinh. Hậu quả, người đi bộ bị tàu hỏa kéo lê hàng chục mét, chết tại chỗ.
Có thể thấy, từ nhiều năm nay, tình trạng người tham gia giao thông bất chấp tín hiệu cảnh báo và nhân viên gác chắn tàu nhắc nhở vẫn cố tình vượt qua các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ khi tàu hỏa đang tới đã trở thành chuyện thường ngày. Sự thiếu ý thức của một số người dân trong việc chấp hành an toàn giao thông (ATGT) đường sắt là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ TNGT đường sắt thảm khốc trong thời gian qua. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, tại các điểm giao cắt hầu hết đều có trạm gác chắn của ngành đường sắt, nhưng những vi phạm như cố tình lách vào các khe hở hay tự ý đẩy rào chắn ra để băng qua đường sắt dù tàu đang đến gần vẫn liên tiếp xảy ra. Khi nhân viên gác chắn kiên quyết ngăn cản để bảo đảm an toàn, một số người tham gia giao thông lại tỏ ra khó chịu, không hợp tác, thậm chí hành hung họ.
Đội trưởng Đội chắn đường ngang Giáp Bát (Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải) Nguyễn Đào Việt Phương, một người có 30 năm gắn bó với nghề gác chắn đường ngang chia sẻ: Nghề gác chắn tàu hỏa chỉ một phút lơ là, chủ quan có thể dẫn đến tai nạn. Nếu bất cẩn, để xảy ra sự cố chạy tàu, người gác chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý về mặt hình sự. Bản thân chúng tôi mỗi khi vào ca trực cảnh giới phải thường xuyên tỉnh táo, vận dụng mọi giác quan và cả kinh nghiệm nghề nghiệp để thực hiện nhiệm vụ tốt nhất, tránh các nguy cơ xảy ra TNGT tại đường ngang. Tuy nhiên, nhiều người không ý thức được rằng chúng tôi đang làm việc để bảo vệ an toàn tính mạng cho chính họ. Theo lời kể của anh Phương, nhiều đồng nghiệp của anh đã bị người đi đường hành hung chỉ vì không cho họ qua khi rào chắn đã đóng lại. Điển hình là trường hợp của anh Tạ Viết Quy, trong một lần đóng chắn để đón tàu thông qua tại ngã ba Ngọc Hồi - đường 70, có hai thanh niên từ trên ô-tô bước xuống xin cho xe đi qua để kịp giờ vào làm lễ hỏa táng cho người thân tại Đài Hóa thân Hoàn vũ gần đó, nhưng do tàu đang tới gần nên anh Quy nhất quyết không đồng ý. Lập tức, hai thanh niên này lao vào hành hung khiến anh bị thương, phải nhập viện cấp cứu, khâu sáu mũi trên cằm và mặt.
Cần xử lý nghiêm
Tâm sự với chúng tôi, Đội trưởng Đội Chắn đường ngang Ngọc Hồi (Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải) Trần Hoàng Tùng ngao ngán: “Ở ngã ba Ngọc Hồi - đường 70 có đặc điểm lưu lượng xe cộ qua lại lớn, chủ yếu là xe tải và đây cũng là đường vào Đài Hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển), chỉ đóng chắn lâu một chút là đã vấp phải sự phản ứng của người tham gia giao thông. Đã không ít lần chính tôi đã bị chửi bới, hành hung vì ngăn cản không cho người tham gia giao thông qua đường ngang khi tàu đang đến. Nhiều khi do cả nể, e ngại bị đe dọa, cho một người vượt qua, nhiều người phía sau lại lao lên khiến việc bảo đảm an toàn đường sắt tại đường ngang rất vất vả. Sau những lần như vậy, anh em gác chắn truyền nhau kinh nghiệm, nếu người dân chửi bới, lăng mạ cũng cố gắng chịu đựng, không phản ứng lại, dân họ đánh thì chạy, có thế mới tránh vạ vào thân mà vẫn bảo đảm được an toàn chạy tàu”. Anh Tùng cũng đề nghị: “Mong các cơ quan chức năng cần sớm có chế tài mạnh và xử lý nghiêm các đối tượng côn đồ, hành hung nhân viên gác chắn để răn đe và giúp họ yên tâm làm việc”.
Hà Nội là một trong những địa phương có mạng lưới đường sắt lớn nhất cả nước với chiều dài khoảng 160 km, trong đó có năm tuyến hướng tâm, một tuyến vành đai phía tây. Tuy nhiên, hầu hết đây đều là những tuyến đường cũ, chưa có hành lang riêng, thậm chí nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến đường sắt còn đùa giỡn, hóng mát, sửa xe máy, làm đồ gỗ,… ngay trên đường ray, vi phạm nghiêm trọng hành lang ATGT. Hạ tầng đường sắt trên địa bàn Thủ đô ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ TNGT ngày càng lớn. Đáng lo ngại hơn, khu vực phố Lê Duẩn, ga Văn Điển, Thường Tín, ga thị trấn Phú Xuyên,... còn xuất hiện tình trạng người dân tự ý xé rào sắt mở đường ngang, có hộ bắc cầu gỗ qua đường sắt, rào chắn để vận chuyển đồ đạc, sinh hoạt, buôn bán ngay bên cạnh đường sắt.
Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Uông Việt Dũng cho rằng, để hạn chế các vụ TNGT đường sắt cần tăng cường sự phối hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang, kiên quyết chấm dứt hoạt động với các lối đi bất hợp pháp và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương. Tại các khu công nghiệp, khu dân cư mới, có phát sinh giao thông đường ngang, chính quyền địa phương phải hoàn thiện hồ sơ để lên phương án xây dựng đường gom dân sinh phù hợp, bảo đảm an toàn cho người và không đe dọa tới an toàn của đường sắt. Ngoài ra, cần kiên trì tuyên truyền giáo dục các quy định về ATGT đường sắt, đưa nội dung, quy định về ATGT đường sắt vào các trung tâm đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe và thường xuyên tập huấn kỹ năng này trong các khóa đào tạo lái xe nâng cao. Tại các điểm gác chắn, nếu các đối tượng cố tình vi phạm, lực lượng chức năng cần có sự hỗ trợ kịp thời, áp dụng những biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc.
Bài và ảnh: Hải Dũng
Theo nhandan.com.vn