Diễn ra từ ngày 1.3 đến ngày 10.3.2018 (tức từ 14 đến 23 tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018) Lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn là hoạt động văn hóa lớn nhất trong năm của tỉnh Hải Dương.
Năm 2018, Lễ khai hội gắn với Lễ tưởng niệm 684 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334- 2018), đồng thời công bố Bảo vật quốc gia “Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi”. Ban tổ chức đã tiến hành dẹp bỏ toàn bộ các hàng quán trong khu vực nội tự chùa Côn Sơn nhằm trả lại vẻ đẹp tôn nghiêm cho không gian nơi đây.
Chuẩn bị chu đáo cho trước, trong và sau lễ hội, Ban tổ chức cũng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức. Các tuyến đường từ quốc lộ 18 vào khu di tích được cắm nhiều cờ lễ, băng rôn giới thiệu sơ lược về lễ hội được treo ở các trục đường chính tại thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và trong khu di tích; treo quảng cáo tấm lớn tại Quốc lộ 5, Quốc lộ 37… Tỉnh Hải Dương cũng xây dựng phương án để đảm bảo cho du khách hành hương về Côn Sơn- Kiếp Bạc.
Lực lượng công an, các tổ cảnh sát giao thông cơ động được bố trí chốt tại tất cả các điểm, tuyến đường dễ xảy ra ách tắc, sẵn sàng phân luồng, tuyến, có mặt kịp thời điều tiết giao thông khi xảy ra ách tắc. Ban quản lí di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức cho các hộ dân trong khu vực di tích kí cam kết không tăng giá và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong dịp diễn ra Lễ hội; không để hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội; không cài, giắt, đặt rải tiền tùy tiện, gây phản cảm, bố trí bàn công đức hợp lý để phục vụ nhân dân… Ban tổ chức cũng bố trícác lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp hành nghề mê tín, dị đoan, nâng giá, chèo kéo du khách thập phương.
Lễ khai hội được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, trước đó, lễ dâng hương, lễ tế khai hội mùa Xuân vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch tại đền thờ Kiếp Bạc và chùa Côn Sơn đã thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương. Trong lễ khai hội, các đại biểu cùng nhân dân tham gia nghi lễ rước nước (mộc dục). Lễ rước nước một loại hình văn hoá dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng, đây cũng là một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn, mục đích lấy nước làm lễ mộc dục (tắm tượng), đồng thời biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, gợi mở sự gắn kết tình cảm cộng đồng; biểu hiện ước muốn cầu mùa, cầu nước, cầu nhân khang vật thịnh, phong đăng hòa cốc...
Lễ rước được tổ chức long trọng, hoành tráng kéo dài nhiều km với đầy đủ nghi trượng, cờ hoa, lễ phẩm... rước từ chùa Côn Sơn đến hồ Côn Sơn. Tới hồ, đoàn nghi lễ rước bình thủy lên thuyền rồng đến nơi nước trong và sạch nhất làm lễ xin nước. Sau khi thực hiện xong các nghi lễ, bình thủy được rước về chùa, an vị, các nhà sư làm lễ trì chú, mộc dục theo nghi thức truyền thống của Phật giáo. Kết thúc buổi lễ, những người tham dự lễ mộc dục lần lượt tưới lên thần vị Tam tổ Trúc Lâm những giọt nước thơm tinh khiết và đồng tâm niệm cho thân tâm an lạc, quốc thái dân an.
Nếu lễ rước nước tượng trưng cho việc ra sông, biển cầu các vị thuỷ thần phù hộ cho mưa thuận gió hoà, sản xuất nông nghiệp thuận lợi không bị lũ lụt, hạn hán, mùa màng bội thu thì nghi lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc linh từ thường được tổ chức vào sáng ngày 17 tháng Giêng âm lịch hằng năm, là nghi lễ kính cáo với trời đất vào ngày linh thiêng nhất của lễ hội đầu năm, cầu mong trời đất chứng kiến lòng thành kính và phép ứng xử trong đời sống xã hội của cộng đồng đúng đạo làm người, hợp với đạo trời, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh. Nghi lễ được tổ chức tại Trung Nhạc Miếu (một trong 5 ngọn núi, đây là năm ngọn núi thiêng tượng trưng cho năm phương (tứ phương và trung phương) mỗi phương ứng với một hành, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ),do các pháp sư thực hiện. Từ Trung Nhạc Miếu đại diện cho trung phương có thể nhìn được 4 phương tám hướng, những làn khói hương tỏa thấu trời xanh hòa cùng không khí linh thiêng của đất trời. Vật phẩm gồm lễ chay, lễ mặn, hương hoa, ngũ cốc... Sau khi pháp sư thực hiện xong các nghi lễ cúng, Ngũ cốc được ban cho nhân dân cùng du khách thập phương. Ngũ cốc dâng tế là 5 loại hạt: thóc, ngô, đỗ, vừng, lạc đã được chọn lọc kĩ, lại được Phật, Thánh, Trời, Đất chứng giám, mang về trộn vào Thóc giống, Ngô giống, Đỗ giống, vừng giống, lạc giống gieo trồng; mùa màng bội thu, muôn dân no ấm, thanh bình… để đầu năm sau lại mang Ngũ cốc lên tế tạ ơn Trời, Đất.
Lễ đàn Mông Sơn thí thực diễn ra vào tối ngày 23 tháng Giêng âm lịch là một nghi lễ quan trọng và là nét văn hóa tâm linh tiêu biểu trong lễ hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bởi các nghi lễ, diễn xướng linh thiêng, độc đáo mà còn hấp dẫn bởi các hoạt động hội đa dạng, phong phú mang tính đặc thù.Một trong những hoạt động sôi nổi, náo nhiệt và mang đầy tính nhân văn đó là Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy được tổ chức vào ngày 14- 15 tháng Giêngâm lịch hằng năm. Hoạt động này không những mang lại không khí vui nhộn cho lễ hội mà còn mang lại giá trị văn hóa sâu sắc bởi bánh chưng, bánh giầy là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt được lưu truyền từ bao thế hệ nay. Hội thi có sự tham gia của các nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Hải Dương. Bánh đạt giải sẽ được rước lên chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc Linh Từ, đền Kiếp Bạc... kính dâng lên Phật, Thánh.
Ngoài ra còn nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác vô cùng sôi nổi và náo nhiệt, hấp dẫn nhiều du khách là Hội thi đấu vật dân tộc, diễn xướng hầu thánh ở đền Kiếp Bạc, thi đấu cờ tướng, viết thư pháp, các chương trình văn nghệ ca trù, chèo ở đền Nguyễn Trãi…
Theo Nguyễn Thế Anh/baovanhoa.vn