Sau việc một số ngân hàng tăng phí dịch vụ mới đây, nhiều người lo ngại điều này sẽ tạo nên phản ứng thu phí "dây chuyền" tại các ngân hàng khác.
Theo biểu phí mà Vietcombank vừa điều chỉnh tăng: phí SMS Banking tăng từ 8.000 đồng lên 11.000 đồng/tháng. Phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng trước đây đều áp dụng chung mức phí 11.000 đồng, nhưng hiện nay, Vietcombank chia làm 2 mức khác nhau (chuyển tiền liên ngân hàng dưới 10 triệu đồng, mức phí 7.700 đồng, còn giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng sẽ tính phí theo 0,02% giá trị giao dịch).
Bên cạnh đó, nếu trước đây khách hàng Vietcombank chuyển khoản thông qua app Mobile Banking được miễn phí thì từ đầu tháng 3/2018 sẽ phải chịu mức phí là 2.200 đồng mỗi giao dịch…
Nhiều người lo ngại tình trạng thu phí "dây chuyền" sẽ diễn ra tại các ngân hàng khác (Ảnh: KT)
Sau việc Vietcombank tăng phí sử dụng dịch vụ, khách hàng lo lắng sẽ gây ra phản ứng dây chuyền khiến nhiều ngân hàng điều chỉnh phí dịch vụ trong thời gian tới.
Chị Nguyễn Minh Thu, ở Thụy Khuê, Ba Đình chia sẻ, chị sử dụng các dịch vụ của Ngân hàng Vietcombank đã 5 năm nay, khi biết tin từ đầu tháng 3, ngân hàng này tăng phí dịch vụ, chị lo ngại, thời gian tới có thể các ngân hàng khác cũng có động thái điều chỉnh theo.
Bởi trước đó, năm 2013, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên thu các loại phí như: phí rút tiền nội mạng 1.000 đồng/lần, ngoại mạng 3.000 đồng/lần; phí vấn tin tài khoản 500 đồng/lần, phí chuyển tiền ngoại mạng 5.000 đồng/lần… Ngay sau đó, động thái này đã mở đường cho các ngân hàng khác tiến hình thu phí trong năm 2014, trước hết là phí rút tiền nội mạng và phí chuyển tiền nội mạng, sau đó là các loại phí khác…
Thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng “âm thầm” điều chỉnh theo hướng tăng phí dịch vụ. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống, khác tỉnh, thành phố là 0,05% số tiền; Ngân hàng Đông Á áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống, khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch hay Ngân hàng quốc tế (VIB) nếu trước đây miễn phí khá nhiều giao dịch, nay cũng bắt đầu thu phí…
Trước phản ứng của khách hàng về việc tăng phí, đại diện Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã có thông báo về việc điều chỉnh này từ cuối tháng 1/2018 đến từng khách hàng. Phí dịch vụ được điều chỉnh theo hướng, tăng, giảm một cách linh hoạt theo hướng có lợi cho khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, phí duy trì dịch vụ VCB-Mobile Banking và VCB-iBanking chỉ áp dụng khi khách hàng có phát sinh các giao dịch tài chính trong tháng và áp dụng chính sách ưu đãi miễn phí 01 dịch vụ với khách hàng phát sinh giao dịch tài chính trên đồng thời cả hai dịch vụ này…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, về nguyên tắc, bất kỳ dịch vụ nào mà khách hàng nhận được từ các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại thì đều phải trả tiền. Nếu một ngân hàng cần kinh phí để bù trừ cho các chi phí đầu tư thường xuyên thì việc tăng phí sử dụng dịch vụ cũng là điều dễ hiểu. Điều này sẽ giúp ngân hàng có nguồn vốn để gia tăng các tính năng bảo mật, dịch vụ an toàn cao hơn. Tuy nhiên, mức tăng phí phải tương xứng với chất lượng dịch vụ của ngân hàng.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng thương mại năm 2017 tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán. Trong năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục đặt mục tiêu tăng doanh thu từ dịch vụ, trong đó có các loại phí. Thậm chí nhiều ngân hàng còn đặt chỉ tiêu về doanh thu phí dịch vụ đến từng đơn vị kinh doanh, khi phân khúc này còn tiềm năng rất lớn.
Trước vấn đề này, nhiều người đặt câu hỏi, việc ngân hàng tăng phí dịch vụ, tận thu liệu có gây khó cho việc thực hiện chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của nhà nước khi mà mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 đẩy mạnh thanh toán đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Chung Thủy/VOV.VN