Cập nhật: 09/03/2018 14:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cả nước hiện có một ổ dịch cúm gia cầm A (H5N6) chưa qua 21 ngày tại xã Ðại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng và trước đó dịch lở mồm long móng típ O đã xảy ra tại các huyện Sông Mã, Bắc Yên và Phù Yên của tỉnh Sơn La…

Ðây là những loại bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm đã được ngành nông nghiệp cảnh báo từ trước Tết Nguyên đán, nhưng nhiều địa phương do chủ quan, thiếu các biện pháp phòng, chống quyết liệt, cho nên để dịch bệnh bùng phát.

Theo thông lệ, thời gian sau Tết thường là thời điểm nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm động vật trong nước tăng cao. Cũng là giai đoạn thời tiết thay đổi, với nhiều đợt nồm ẩm, mưa rét kéo dài.

Ðây là điều kiện để các mầm bệnh (vi-rút, vi khuẩn) trên gia súc, gia cầm dễ bùng phát và lây truyền từ vùng này sang vùng khác. Chưa kể, một số chủng vi-rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như A (H7N9), A (H5N2), A (H5N8)… nhưng nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía bắc và các tỉnh, thành phố có tiêu thụ cao. Nếu các cơ quan chức năng, người chăn nuôi sao nhãng công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, thiếu chăm sóc vật nuôi, thì chẳng những không ngăn chặn được dịch bệnh, mà có khi còn bùng phát trên diện rộng.

Ðể chủ động bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, trước hết cần chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin. Tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y, trong đó có một số vắc-xin cần tiêm ngay tại thời điểm này và bảo đảm tiêm phòng định kỳ. Ðây là biện pháp bắt buộc để tạo miễn dịch chủ động cho con vật. Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp thì việc hướng dẫn người chăn nuôi, bảo đảm chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi ngăn chặn mầm bệnh cần đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần chú ý kiểm tra, nâng cấp chuồng trại nhằm tránh mưa tạt, gió lùa, dột ướt, nhất là vào ban đêm vì thời điểm giao mùa sáng sớm thời tiết thường trở lạnh, hoặc có gió mùa đông bắc. Khi có nhu cầu vận chuyển vật nuôi từ vùng này sang vùng khác cần theo dõi thông tin về thời tiết để hạn chế thấp nhất vận chuyển vào những ngày có mưa, gió mùa đông bắc, đồng thời thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Khi phát hiện vật nuôi có hiện tượng nhiễm bệnh cần nhốt riêng để theo dõi và báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng bệnh, cũng như khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

Chính vì vậy, dịp này chính quyền các địa phương, cán bộ thú y, tổ chức khuyến nông cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Ðồng thời, đẩy mạnh phối hợp các trưởng thôn, trưởng bản, nắm bắt chính xác số lượng cũng như tình hình sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm tại các trang trại, hộ chăn nuôi ở địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để gia súc, gia cầm mới mắc bệnh, góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

 

Theo MINH AN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm