Hiện nay, Khu kinh tế Dung Quất có tám bến cảng gồm bảy bến cảng đã đi vào hoạt động là ba bến cảng tổng hợp gồm Hào Hưng, PTSC và Gemadept; ba bến cảng chuyên dùng là Doosan và hai cảng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, một bến cảng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất để đóng và sửa chữa tàu biển và một cảng chuyên dùng đang triển khai xây dựng của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát.
Bốc xếp phân bón tại cảng Dung Quất. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Theo đó, các cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000-70.000DWT.
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tại Khu kinh tế Dung Quất hàng năm đạt trên 17 triệu tấn; trong đó, chủ yếu là hàng rời.
Các sản phẩm, nguyên vật liệu xuất nhập khẩu thông qua cảng biển ở Dung Quất như dăm gỗ, dầu FO, đồ gia dụng, sản phẩm may mặc… và các sản phẩm đặc trưng của các cảng chuyên dụng để xuất đi sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, Canada, Singapore…
Là cảng nước sâu nhưng hiện nay tại khu kinh tế Dung Quất dịch vụ logistics chưa phát triển mạnh, chỉ có Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi (PTSC) làm dịch vụ về hồ sơ, thủ tục hải quan cho các đơn vị xuất nhập hàng hóa qua cảng Dung Quất và cũng chưa có kho, bãi ngoại quan.
Thực tế, hiện nay các cảng biển ở Dung Quất chưa có tuyến container, do đó đây cũng là một áp lực cho các nhà quản lý.
Hiện các nhà đầu tư cũng mong muốn hình thành tuyến cảng biển vận chuyển container để giảm chi phí vận chuyển đối với các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp ở Quảng Ngãi.
Hiện nay, các mặt hàng xuất container phải vận chuyển ra Đà Nẵng hoặc một số cảng biển lân cận của miền Trung.
Theo các nhà đầu tư, khi khai thác tuyến container đòi hỏi lượng hàng phải đầy đủ mới phát huy đươc hiệu quả, hoặc có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Ông Đàm Minh Lễ, Phó Trưởng Ban Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, giai đoạn hiện nay, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất và hàng loạt các dự án xung quanh đang được triển khai rất mạnh.
Bên cạnh đó, khu VSIP lượng hàng hóa tăng lên rất nhanh, cùng với đó là một loạt các khu kinh tế trong khu vực cũng có lượng hàng hóa rất lớn.
Số lượng hàng hóa qua cảng Dung Quất đã đủ để hình thành tuyến container. Do đó, ban đang kêu gọi các doanh nghiệp quản lý cảng mở tuyến containner trong năm 2018 này.
Để cảng nước sâu Dung Quất trở thành một trong những lợi thế lớn để hình thành Khu kinh tế Dung Quất và trong định hướng phát triển của cảng biển Dung Quất, Ban quản lý đã tập trung tạo mọi điểu kiện để các cảng hoạt động, phát huy hiệu quả như tiến hành xây dựng kè chắn cát dài khoảng 500m để đáp ứng cho các dự án cảng biển ở Dung Quất khai thác hiệu quả.
Thực tế, ở Dung Quất, một số cảng cũng đang được các doanh nghiệp chú trọng khai thác và chuẩn bị đưa vào hoạt động như cảng Hào Hưng, cảng Hòa Phát Dung Quất.
Khi các cảng biển nước sâu Dung Quất được hình thành và đưa vào hoạt động, thì rõ ràng nơi đây đã thu hút được các doanh nghiệp về đầu tư công nghiệp nặng như Doosan, Hòa Phát Dung Quất… và từ các doanh nghiệp nặng này sẽ lan tỏa ra các dự án công nghiệp phụ trợ và dịch vụ.
Theo ông Đàm Minh Lễ, Phó Trưởng ban khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới, tình hình thu hút đầu tư đặc biệt là tình hình triển khai các dự án là hết sức thuận lợi và các nhà đầu tư vào triển khai rất nhanh.
Cụ thể như các dự án lớn như dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất, dự án FLC, tổ hợp điện khí… khi đi vào hoạt động, chắc chắn cảng Dung Quất sẽ quá tải trong thời gian không xa.
Do đó, dự kiến lượng hàng hóa chuyển qua cảng Dung Quất cần phải tính toán mở rộng để phục vụ cho các các nhà đầu tư.
Việc đầu tư, kiện toàn các cảng biển ở Dung Quất hiện đang là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh Quảng Ngãi.
Ngoài ra, để phát triển cảng nước sâu Dung Quất, trong qui hoạch cảng biển Dung Quất đã tính đến việc liên kết vùng như Tây Nguyên, kết nối qua Quốc lộ 24, kết nối xuyên Việt qua cửa khẩu Bờ Y để qua các nước Nam Lào, Bắc CampuChia, Thái Lan, Myanmar các khu vực này không có cảng biển.
Do vậy, nếu cải thiện được chất lượng của tuyến Quốc lộ 24 kết nối Kon Tum với Quảng Ngãi sẽ góp phần phát huy hiệu quả của cảng nước sâu Dung Quất.
Ông Đàm Minh Lễ, Phó Trưởng ban Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ./.
Theo SỸ THẮNG (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/quang-ngai-phat-trien-cang-nuoc-sau-dung-quat-phuc-vu-cong-nghiep/493277.vnp