Đột quỵ luôn rình rập, đặc biệt với người cao tuổi (NCT) kèm theo có bệnh tăng huyết áp. vì vậy, cần chủ động phòng ngừa căn bệnh chết người này.
Đột quỵ não chính là tai biến mạch máu não, bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ dẫn đến tổn thương não không hồi phục. Tai biến mạch máu não có hai loại: nhồi máu não (do nghẽn / tắc mạch) hoặc chảy máu não (do vỡ mạch). Đột quỵ não là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay.
Sự nguy hiểm
Đột quỵ não là tai biến mạch máu não được xem là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất được xếp đứng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong và đứng hàng đầu về nguyên nhân gây tàn phế. Mỗi năm, trung bình nước ta có thêm 200.000 người bị đột quỵ não. Thống kê tại các bệnh viện cho thấy, bệnh nhân đột quỵ não tăng cao khi thời tiết thay đổi, đặc biệt trong điều kiện khí hậu lạnh giá, nhất là lạnh đột ngột số bệnh nhân bị đột quỵ não nhập viện gia tăng đáng kể (khoảng 15 - 30% so với bình thường).
Đột quỵ não chủ yếu do thiếu máu não cục bộ gây tổn thương não không hồi phục. Quá trình thiếu máu não cục bộ có thể do giảm tưới máu não vì huyết động giảm hoặc do tắc mạch máu trong não hay sọ não bởi huyết khối (cục máu đông) hoặc do mảng xơ vữa động mạch bị bong ra. Với trường hợp chảy máu não thường do vỡ mạch máu não thông thường bởi tăng huyết áp đột ngột dẫn đến xuất huyết nội sọ hoặc xuất huyết dưới màng nhện.
Gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra gốc tự do (Free radical), “độc chất” sinh ra từ quá trình chuyển hóa của cơ thể hoặc hình thành do tác động của ô nhiễm môi trường, thuốc lá, rượu bia... là tác nhân quan trọng làm hình thành mảng xơ vữa, cục huyết khối - nguyên nhân chính gây ra đột quỵ não. Gốc tự do tấn công làm tổn thương nội mạc mạch máu, khiến thành mạch không còn trơn tru, mượt mà, làm xuất hiện các mảng xơ vữa và cục huyết khối gây ra hiện tượng thiếu máu não thoáng qua, thậm chí gây tắc mạch do cục máu đông. Thời gian bị tắc càng lâu thì tế bào thần kinh tại các vùng não không được cung cấp oxy và dưỡng chất sẽ càng trở nên suy yếu hoặc chết đi, dẫn đến cơn đột quỵ não.
Vì sao những ngày trời lạnh, rét dễ bị đột quỵ não?
Dưới ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh, nhất là khi gặp lạnh đột ngột, đặc biệt với người đang bị tăng huyết áp hoặc người bị bệnh về tim mạch (xơ vữa mạch, tăng mỡ máu…), lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường do mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp một cách đột ngột. Mặt khác, khi huyết áp tăng cao đột biến sẽ làm tăng áp lực trong lòng mạch, dẫn đến vỡ thành động mạch, đặc biệt, người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay cục máu đông, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ khiến nguy cơ tử vong có thể xảy ra.
Dấu hiệu
Một số triệu chứng có thể cảnh báo đột quỵ não như nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ hay chậm hiểu một cách bất thường. Khi đột quỵ xảy ra, có thể nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười, thổi (miệng méo) méo có thể sẽ rõ hơn. Chân và tay, diễn tiến từ từ như tê mỏi một bên tay, vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc (đưa tay lên hoặc xoay tay rất khó, vụng về). Trong người hợp nghi ngờ người bị đột quỵ, hãy yêu cầu họ giơ cả hai tay lên và giữ nguyên trong 1 phút, nếu bị đột quỵ thông thường một bên tay bị yếu, liệt sẽ tự động rơi hoặc hạ thấp xuống
Người bệnh đi dễ bị vấp ngã, bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường; nhấc chân lên rất khó khăn hoặc dép dễ bị rơi... Một số người đột quỵ nói khó và môi, lưỡi bị cứng, tê. Có thể yêu cầu người bệnh nói một vài câu, từ đó, có thể nhận ra bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói.
Hậu quả
Theo các nhà nghiên cứu, khi bị thiếu máu não cục bộ trong vòng 30 giây sẽ gây rối loạn chuyển hóa não, sau 1 phút chức năng não sẽ ngừng hoạt động và sau 5 phút gây nhồi máu não. Vì vậy, đột quỵ não gây hậu quả rất nặng nề và đe dọa tính mạng người bệnh. Hiện nay, theo thống kê có khoảng 7 triệu người sống sót sau khi bị đột quỵ não, nhưng đa phần trong số họ bị khuyết tật vĩnh viễn về di chứng tâm thần, vận động... Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật về tâm thần và vận động ở NCT.
Cần chủ động ngăn ngừa đột quỵ não
Trước diễn biến thời tiết thất thường, nhất là lạnh giá, mỗi NCT cần có biện pháp dự phòng đột quỵ. Điều quan trọng nhất là giữ ấm cơ thể, đặc biệt tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm, ra khỏi phòng ngủ, nhất là ban đêm dậy đi tiểu tiện hoặc đi ra khỏi nhà khi trời lạnh, mưa, ẩm ướt. NCT vào mùa lạnh cần tắm nước ấm, trước khi tắm cần chuẩn bị quần áo sạch, tắm xong cần lau khô người và mặc quần áo ngay. Những gia đình có điều kiện nên trang bị đèn sưởi trong nhà tắm và sau khi tắm, mặc quần áo xong nên bật điều hòa nóng để sưởi ấm. NCT, khi trời lạnh nếu cần thiết phải ra khỏi nhà cần mặc ấm toàn thân, đầu đội mũ ấm, cổ quàng khăm ấm, tay và chân cần có tất, đi giày và nên đeo khẩu trang.
Lời khuyên của thầy thuốc
Với những người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu hoặc các bệnh về tim mạch cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được quên uống thuốc hàng ngày hoặc tự động đổi thuốc hoặc tự động thay đổi liều lượng thuốc.
NCT nên tập vận động trong nhà, không nên tập ngoài trời khi còn lạnh giá, mưa phùn. Ngoài chế độ uống thuốc (nếu có bệnh huyết áp, tim mạch, tăng mỡ máu…), cần ăn uống kiêng mỡ động vật, kiêng rượu, bia, thuốc lá.
TS. BÙI MAI HƯƠNG
Theo suckhoedoisong.vn