Tổng cục Du lịch vừa tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch” nhằm mổ xẻ, làm rõ những hạn chế trong công tác xúc tiến du lịch quốc gia và đưa ra những giải pháp để công tác xúc tiến hiệu quả hơn.
Gian hàng của Du lịch Việt Nam tại Hội chợ ITB Berlin 2017
Bị động và thiếu chuyên nghiệp
Công tác nghiên cứu được xác định là ưu tiên số 1 nhưng hiện nay, việc nghiên cứu, định hướng thị trường của chúng ta chưa thực sự bài bản, gắn với thực tế, đi sâu vào các phân khúc thị trường mục tiêu cụ thể cho các hoạt động xúc tiến. Cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường thiếu và không nhất quán, chưa cập nhật thường xuyên các xu hướng thay đổi của thị trường, dự báo để có điều chỉnh phù hợp. Chiến lược thị trường được xây dựng nhưng triển khai không đúng mục tiêu, còn phụ thuộc vào điều kiện kinh phí. Do thiếu thông tin đánh giá thị trường, xây dựng kế hoạch hằng năm cho các hoạt động xúc tiến du lịch chưa có tính thuyết phục cao, bám theo yêu cầu thị trường mục tiêu.
Nguồn lực xúc tiến du lịch cũng vô cùng eo hẹp, chưa thể tạo thành động lực mang tính đột phá làm thay đổi căn bản hoạt động xúc tiến du lịch, hạn chế khả năng sử dụng, khai thác các hình thức, công cụ xúc tiến du lịch phổ biến và hiệu quả trên thế giới như quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông nước ngoài, ứng dụng marketing điện tử, hình thành đại diện xúc tiến du lịch nước ngoài. Kinh phí được cấp từ ngân sách duy trì mức thấp (mỗi năm chỉ khoảng 30- 40 tỉ đồng ở trung ương, các địa phương hầu như rất thấp, trừ những tỉnh thành lớn), không đủ để triển khai chủ động, bài bản các chương trình xúc tiến. Tỉ lệ ngân sách trên số lượng khách inbound (khách quốc tế đến) của các nước với ta rất chênh lệch: Năm 2016 Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, đầu tư xúc tiến 40 tỉ đồng (gần 2 triệu USD), Thái Lan đón 32,5 triệu khách, đầu tư 69 triệu USD.
Các công cụ xúc tiến của Việt Nam cũng không có nhiều thay đổi, không mang tính đột phá, thậm chí là cũ kỹ, nhàm chán. Việc tổ chức gian hàng ở các hội chợ du lịch quốc tế lớn làm thường xuyên nhưng hình ảnh hiện diện gian hàng quốc gia chưa ổn định, thông điệp chưa rõ ràng, hiệu quả kết nối giao dịch tại gian hàng chưa thực sự phát huy, tham gia của các doanh nghiệp chưa chủ động và ổn định. Những chương trình roadshow phát động thị trường ở nước ngoài, đón đoàn famtrip, presstrip quốc tế chưa hiệu quả, chưa đúng đối tượng là các doanh nghiệp chuyên gửi khách tới Việt Nam. In và phát hành các ấn phẩm, vật phẩm quảng bá còn theo lối mòn, nội dung chưa chủ động gắn với chương trình xúc tiến du lịch, hình thức, nội dung không mấy đổi mới, hấp dẫn. Một số ấn phẩm, vật phẩm sản xuất dùng cho nhiều năm dẫn đến thông tin lạc hậu…
Một chuyên gia du lịch tại Hội thảo phải kêu lên: “Chúng ta đã họp rất nhiều cuộc, chỉ ra 1001 hạn chế nhưng lại chưa đưa ra giải pháp để thành công. Mà nếu có đưa ra được giải pháp thì nó cũng chỉ nằm trên giấy, không được thực hiện”.
Công tác xúc tiến của Việt Nam hiện nay chưa tập trung vào kế hoạch hành động nên TCDL không biết địa phương làm gì, địa phương thì thích là đi, không báo cáo TCDL. TCDL cần người dẫn dắt hoạt động xúc tiến, tập hợp các địa phương, doanh nghiệp để có sức mạnh tổng hợp. Tôi ví dụ, cũng đi Nhật Bản nhưng TCDL đi một đường, địa phương đi một đường. Tôi còn vô cùng ngạc nhiên khi có lần nhìn thấy gian hàng của TCDL quay lưng vào Vietnam Airlines. (Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh)
Đầu tư nhiều hơn kinh phí và nguồn nhân lực
Nhiều đại biểu cho rằng: Chi phí marketing cho một đầu khách của chúng ta hiện nay so với khu vực là quá thấp, cơ quan quản lý nhà nước cần kiến nghị Chính phủ để có thêm nguồn đầu tư. Đại biểu cũng rất trông chờ vào việc ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ đẩy mạnh hoạt động, tăng hiệu quả xúc tiến du lịch.
Theo các doanh nghiệp, các địa phương, Kế hoạch xúc tiến du lịch quốc gia của chúng ta hiện vẫn đang rất muộn, không hỗ trợ được cho các địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, tìm hiểu thị trường. Nguồn lực không có, thủ tục tài chính rườm rà dẫn đến không có kế hoạch sớm nên hoạt động xúc tiến rất bị động. Hoạt động xúc tiến ở các thị trường nguồn, thị trường trọng điểm chỉ ướm thử thôi cũng không dám vì sợ lên kế hoạch xong có khi không thực hiện được.
Nhiều ý kiến cho rằng: “Ở các địa phương hiện nay, Cơ quan xúc tiến không thống nhất: tỉnh thì trung tâm xúc tiến du lịch, tỉnh thì trung tâm xúc tiến đầu tư du lịch; tỉnh thì cơ quan xúc tiến trực thuộc Sở VHTTDL, Sở Du lịch, tỉnh thì cơ quan xúc tiến lại trực thuộc tỉnh. Dẫn đến tình trạng nhiều tỉnh, người không có chuyên môn du lịch làm xúc tiến du lịch, cũng không tham gia những chương trình xúc tiến của TCDL và những hoạt động xúc tiến du lịch khác”.
“Vướng mắc hiện nay là tiền, cơ chế và con người. Trong Luật Du lịch sửa đổi, có hiệu lực từ 2018, lĩnh vực xúc tiến cũng đã được quan tâm nhiều, trong đó đặc biệt là những quy định của Quỹ hỗ trợ xúc tiến du lịch, Nhà nước sẽ đầu tư 300 tỉ nguồn vốn ban đầu và khoảng 10% trích nguồn từ phí visa. Nhưng tôi cho rằng, cần phải có đầu tư cho du lịch hơn nữa (cả về kinh phí, con người) mới có thể phát triển tốt được”, ông Nguyễn Quốc Hưng, đại biểu Quốc hội chuyên trách du lịch nhấn mạnh.
Để giải quyết những hạn chế này, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác công-tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo đột phá trong phương thức huy động các nguồn lực cho xúc tiến. Phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn du lịch, huy động nguồn lực từ nhiều nguồn cho xúc tiến du lịch, trong đó tăng cường vai trò của doanh nghiệp du lịch. Đối mới cả về nội dung và phương thức tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch, ưu tiên các công cụ tác động nhanh, trực tiếp, chi phí thấp, sử dụng hiệu quả hơn marketing… Nghiên cứu tổ chức một số chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tổng thể tạo một số thị trường trọng điểm, tạo cú hích mạnh mẽ cho phát triển du lịch thời gian tới. Phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam với bộ nhận diện thương hiệu Việt Nam- vẻ đẹp bất tận. Hơn hết là tăng cường quản lý điểm đến, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết xúc tiến điểm đến và sản phẩm du lịch vùng. Nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý và xúc tiến du lịch từ trung ương đến địa phương. Định hướng và triển khai các hoạt động xúc tiến theo kế hoạch năm 2018 và những năm tiếp theo, bao gồm cả cơ chế phối hợp, vai trò, trách nhiệm của TCDL và các bên tham gia.
THÚY HÀ/baovanhoa.vn