Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Ðặng Quang Tấn nhận định: Năm 2018, tình hình dịch bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp. Nguy cơ các bệnh mới nổi và nguy hiểm: Ebola, cúm A(H7N9), bệnh MERS-CoV... tiếp tục gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, làm cho nguy cơ xâm nhập vào nước ta tăng theo. Tình hình dịch bệnh SXH vẫn còn có thể diễn biến phức tạp do tại nhiều nước trong khu vực số người mắc SXH vẫn duy trì ở mức cao. Sự di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng, miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Mặt khác, môi trường nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy. Thời gian tới, với khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho nguồn truyền bệnh phát triển mạnh. Tại không ít địa phương việc đầu tư kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch còn rất hạn chế, hoặc cấp muộn, không bảo đảm yêu cầu, nhất là kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, phun hóa chất diệt muỗi chủ động...
Ngoài ra, mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não... Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, lỵ...) cũng có thể gia tăng do không bảo đảm an toàn thực phẩm. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2018, đến nay, cả nước đã có gần 11 nghìn ca mắc SXH; gần 5.000 ca mắc bệnh TCM; gần 90 ca mắc sởi… Riêng tại TP Hà Nội, đã có 59 trường hợp mắc bệnh SXH; 38 trường hợp mắc sởi; 31 trường hợp mắc bệnh TCM và hai trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn…
Ðể ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh mùa hè, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: Ngay từ bây giờ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng bệnh. Trong đó cần tập trung vào một số giải pháp: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các dịch bệnh nguy hiểm, xử lý kịp thời, hiệu quả, tập huấn nâng cao năng lực cho các tuyến giám sát, đáp ứng, điều trị, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các ổ dịch tại cộng đồng. Triển khai tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, hạn chế thấp nhất số người chết do các bệnh truyền nhiễm. Ðẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể, để phòng tránh các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới một tuổi đạt hơn 95% quy mô xã, phường, thị trấn. Vì qua theo dõi cho thấy, do chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, các địa phương có di biến động dân cư lớn, các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu có chiều hướng gia tăng đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng…
Bộ Y tế cũng đề nghị, UBND các cấp bảo đảm đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch tại địa phương mình. Ðồng thời, người dân cần thực hiện đầy đủ các nội dung khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra như: Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi có dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, nhất là không tự ý điều trị tại nhà...