Như nhiều người khác, chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn Linh nhận ra vẻ đẹp và tiềm năng phát triển du lịch hồ Ba Bể (Bắc Cạn). Nhưng khác với nhiều người, Linh đã, đang làm nhiều việc hữu ích góp phần phát triển du lịch và mong muốn cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm, cộng đồng dân cư sở tại cùng chung tay phát triển du lịch hồ Ba Bể.
Anh Nguyễn Tuấn Linh (ngoài cùng bên phải) trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn tại hội nghị phát triển du lịch địa phương.
Có duyên với Ba Bể
Quê ở tỉnh Phú Thọ, đam mê làm du lịch, năm 2010, khi mới 23 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Tuấn Linh khoác ba-lô lang thang lên hồ Ba Bể, ngỡ ngàng với vẻ đẹp của rừng núi nguyên sinh hùng vĩ, hồ nước mênh mang trong xanh nguyên sơ, hang động kỳ vĩ, nhiều làng bản của đồng bào dân tộc thiểu số ở ven hồ với những phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc và nhận ra rằng, đây là nơi hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài vốn ưa thích du lịch trải nghiệm, khám phá, chia sẻ với bà con đồng bào dân tộc thiểu số chất phác, thật thà.
Nhưng Linh cũng trăn trở trước tình trạng hồ nước, rừng già đang bị xâm hại và chưa biết làm thế nào để phát triển du lịch nơi đây. Hội xuân năm 2010 thu hút hàng vạn người tham dự tại bãi Bó Lù bên hồ Ba Bể, nhưng sau đó là rác thải vương vãi khắp nơi mà không ai quan tâm. Buồn lòng trước cảnh này, một mình Linh với bao tải trên tay cặm cụi, cần mẫn nhặt rác, thu gom lại với hy vọng rác thải sẽ không trôi xuồng hồ.
Đang nhặt rác thì hai khách du lịch người Áo xuống hỏi tại sao làm vậy, Linh thành thật tâm sự, bản thân trân trọng vẻ đẹp nguyên sơ của hồ Ba Bể, không muốn thấy hồ bị ô nhiễm. Sau đó, hai người khách cùng nhặt rác, họ chia sẻ những trải nghiệm mấy ngày du lịch ở hồ Ba Bể, thấy mình chân thành, có trách nhiệm nên họ mách cách làm du lịch ở nơi này.
Linh chia sẻ, gặp hai khách du lịch người Áo như một cơ duyên đưa anh đến với du lịch. Những ngày đầu bước chân vào lĩnh vực du lịch, Linh xuống Hà Nội liên hệ với một số khách sạn, nhà nghỉ và tình nguyện đón khách nước ngoài đến hồ Ba Bể. Tại hồ Ba Bể, khách yêu cầu gì anh cũng làm, từ việc tìm chỗ ăn, chỗ nghỉ, đưa khách tham quan các điểm du lịch, trải nghiệm cuộc sống, văn hóa cư dân bản địa. Với sự nhiệt thành và trách nhiệm, dần dần nhận được tín nhiệm của một số khách sạn, nhà nghỉ ở Hà Nội nên khi có khách nước ngoài, thậm chí chỉ một, hai người muốn du lịch hồ Ba Bể, họ cũng gọi Linh đưa đón, tổ chức chuyến đi.
Sau này, khách nước ngoài du lịch hồ Ba Bể ngày một nhiều, một mình làm không nổi nên Linh mời gọi một số người cùng tham gia tổ chức tour, tuyến, thành lập Công ty TNHH Phiêu lưu cùng Mr Linh, mở trang thông tin điện tử để tiện giao dịch, quảng bá hồ Ba Bể.
Nhiều khách du lịch nước ngoài, doanh nghiệp du lịch biết đến hồ Ba Bể nhiều hơn là từ trang thông tin điện tử của Linh. Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, đến nay Linh đã có kinh nghiệm, mua đất, làm nhà nghỉ homestay trong bản bên hồ, hình thành doanh nghiệp lữ hành đón khách du lịch nước ngoài từ Hà Nội lên hồ Ba Bể. Để quảng bá du lịch hồ Ba Bể, Linh thuê chụp ảnh làm tờ rơi, tờ gấp, quay clip về hồ Ba Bể, văn hóa, nét sinh hoạt cộng đồng, liên hệ Tổng cục Du lịch để được tham gia quảng bá du lịch ở nước ngoài.
Nhiều lần do không có trong thành phần, Linh đóng góp kinh phí để ra nước ngoài quảng bá lu lịch hồ Ba Bể. Linh cho biết: “Cuối tuần vừa rồi đi Đức về. Năm 2017, mình bỏ tiền túi hơn một tỷ đồng đi sáu nước để chiếu clip, phát tờ rơi, giới thiệu văn hóa, du lịch hồ Ba Bể. Vừa rồi, Linh vay tiền mua sáu xe bus chạy từ Hà Nội lên hồ Ba Bể và ngược lại để chuyên chở du khách, nhiều hôm một, hai người cũng đi, ô-tô “chở gió” cũng đi, cứ đi, không sợ lỗ vốn, đấy cũng là một hình thức quảng bá du lịch hồ Ba Bể. Xe bus đi mãi, người ta thấy thuận lợi rồi sẽ có nhiều khách du lịch”.
Tất cả xuồng đưa đón khách tham quan hồ Ba Bề đều chạy bằng động cơ diesel gây tiếng ồn quá lớn.
Để du lịch Ba Bể bền vững
Năm 2016, người dân địa phương phát hiện một hang động rộng lớn, sâu mãi vào trong lòng núi, đi cả ngày mới hết ở xã Hoàng Trĩ, cách không xa hồ Ba Bể và đặt tên là hang Thẩm Phầy. Ngay sau đó, nhiều báo đăng tin, bài, ảnh về hang này, nhiều người gọi đó là hàng Sơn Đoòng ở phía bắc và thu hút sự quan tâm của dư luận. Bản thân Linh đã đưa thám hiểm không chuyên người nước ngoài vào khảo sát và ngỡ ngàng với vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động này.
Sau đó, Linh đưa một số khách du lịch nước ngoài vào tham quan. Gần như ngay lập tức, hang Thẩm Phầy hấp dẫn họ. Tiếp đến, Linh chủ động liên hệ và tổ chức đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Cạn vào hang khảo sát hai lần.
Nhận thấy tiềm năng du lịch khám phá hang Thẩm Phầy, Linh mua đèn pin, mũ thám hiểm của Đức trang bị cho du khách vào hang Thẩm Phầy; tháng 2-2017 và tháng 10-2017, Công ty TNHH Phiêu lưu cùng Mr Linh hai lần làm văn bản đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo UBND tỉnh Bắc Cạn cho phép đầu tư khai thác hang Thẩm Phầy để phục vụ du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học. Các hoạt động này được cam kết và có giải pháp bảo đảm an toàn. Nhưng đến nay, gần như không có cơ quan chức năng và cán bộ có thẩm quyền trả lời.
Linh chia sẻ: “Công ty mình dự định sẽ tiến hành đầu tư tuyến đường đi bộ bậc đá leo qua hai dốc cao, làm cầu nhỏ đi qua hai suối, cải tạo, mở rộng đường nhỏ đi qua bờ ruộng đến cửa hang Thẩm Phầy. Thuê khu đất rộng khoảng 2.000m2 của bà con ở bên ngoài cửa hang để xây dựng nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng, điểm vui chơi, bán hàng lưu niệm, lửa trại, làm công trình vệ sinh... Các hạng mục đều sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện môi trường, phù hợp văn hóa bản địa, đáp ứng nhu cầu du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Qua đó, góp phần tích cực giải quyết công ăn việc làm, tiêu thụ thực phẩm, thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, từ đó phát triển kinh tế cho nhân dân địa phương. Nhưng thật đáng tiếc, các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm ở địa phương vẫn chưa sẵn sàng”.
Linh hy vọng, sau Hội nghị phát triển du lịch được tỉnh Bắc Cạn tổ chức ngày 19-3 vừa qua, những bước đầu tiên cho việc khai thác du lịch hàng Thẩm Phầy sẽ được khai thông.
Là người làm du lịch, Nguyễn Tuấn Linh rất trăn trở với tư duy, cách làm du lịch của một số cán bộ chức năng địa phương và đặc biệt là cư dân bản địa ở các bản Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc ven hồ Ba Bể hiện nay. Nhu cầu khách du lịch ngày một tăng, thời gian qua, nhiều gia đình bản địa đua nhau làm nhà nghỉ homestay đón khách, có gia đình làm nhà xây, nhà sàn, thậm chí xây dựng trái phép tự phát phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan làng bản cổ xưa.
Xuồng máy sử dụng động cơ diesel gây tiếng ồn quá lớn, làm mất đi vẻ tĩnh lặng của hồ nước, thảnh thơi của du khách, ngồi trên xuồng tham quan mà không thể nào chuyện trò được. Việc đón khách, tổ chức ăn nghỉ không chuyên nghiệp, nhiều nhà còn để chuồng trâu, chuồng lợn ngay trước cửa, gần nhà nghỉ; hầu như không có ai biết tiếng Anh; rác thải, nước thải gây ô nhiễm hồ Ba Bể, tình trạng cưa xẻ phá rừng nguyên sinh, đêm đến còn có việc đánh mìn trong hồ diễn ra làm cho nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế rất tổn thương, bản thân Linh xót xa trước tình trạng này.
Linh tâm sự: “Homestay ven hồ Ba Bể chưa hình thành thật sự, nhưng với cách làm du lịch tự phát, tư duy du lịch chưa sẵn sàng, môi trường không được quan tâm, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa không được bảo tồn thì du lịch hồ Ba Bể có thể “lên” nhanh đấy, nhưng cũng có thể “xuống” nhanh. Lúc đó, không có cách gì cứu vãn được nữa. Bản thân Linh rất trăn trở về thực trạng này và mong muốn những người có thẩm quyền, cơ quan chức năng và người dân ở địa phương thay đổi nhận thức, tư duy và cách thức làm du lịch hồ Ba Bể theo hướng thật bền vững, có lẽ trước hết phải bắt đầu từ giáo dục”.
Theo Bài, ảnh: THẾ BÌNH/nhandan.com.vn