Cập nhật: 13/04/2018 11:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ với xu thế quốc tế hóa và tự chủ đại học. Thực tiễn này đang đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh về vị thế, thứ hạng, danh tiếng trong khu vực và trên quốc tế.

Ngày 11-4, Bộ GD-ĐT phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các đại học Việt Nam”. Hội thảo do Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì, có sự tham gia của 24 cơ sở giáo dục đại học uy tín gồm các đại học quốc gia, đại học vùng và một số trường đại học nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín cũng như thương hiệu của các trường đại học Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ với xu thế quốc tế hóa và tự chủ đại học. Hơn lúc nào hết, vấn đề về thương hiệu và uy tín của trường đại học đang trở nên đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trường đại học. Về uy tín quốc tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện tại các trường đại học Việt Nam vắng bóng trong các bảng xếp hạng thế giới. Trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2018, Việt Nam có năm trường đại học, trong đó ĐHQGHN ở vị trí 139, ĐHQG TP Hồ Chí Minh ở vị trí 142, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ở vị trí thuộc top 300, Trường ĐH Cần Thơ ở vị trí thuộc top 350 và Đại học Huế ở vị trí thuộc top 400.

Theo các đánh giá tại hội thảo, các trường đại học của Việt Nam chưa đầu tư xứng đáng để vươn tầm quốc tế mặc dù tiềm lực của các trường đại học của Việt Nam còn nhiều. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực kiến tạo môi trường phát triển tiên tiến và phù hợp cho hệ thống giáo dục đại học. Theo đó, việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tự chủ đại học, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống giáo dục đại học được xem là một trong những yếu tố cốt lõi. Việc thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học và nâng cao thương hiệu các trường đại học thông qua bảo đảm chất lượng và xếp hạng đại học được xem là những giải pháp mũi nhọn để phát triển giáo dục đại học Việt Nam.

Diễn giả chính của hội thảo, bà Mandy Mok, Giám đốc điều hành tổ chức Xếp hạng đại học quốc tế QS khu vực châu Á (Quacquarelli Sydmonds) với báo cáo “Vươn xa với thương hiệu và uy tín” đã trình bày những kinh nghiệm đúc kết được thông qua quá trình xây dựng thương hiệu cho các trường đại học trong khu vực, trên thế giới và kinh nghiệm cho các trường đại học Việt Nam. Bà Mandy nhấn mạnh, “Việc xếp hạng làm cho trường đại học được biết đến rộng rãi hơn, là chỉ số quan trọng trong cạnh tranh quốc tế”. Hiện có khoảng 16 bảng xếp hạng quốc tế được thừa nhận rộng rãi, trong số đó các bảng xếp hạng của QS (2004), THE và ARWU (2003) là các bảng xếp hạng lớn nhất, đang được quan tâm nhiều và phù hợp với Việt Nam.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh: “Chất lượng giáo dục đại học và uy tín quốc tế là hai trong nhiều yếu tố quan trọng tác động đến sự tồn tại và phát triển của các trường đại học. Nếu chất lượng giáo dục là sự đảm bảo các yếu tố, quy trình và nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu giáo dục cũng như cam kết của trường đại học đối với xã hội thì uy tín quốc tế là sự lan toả hình ảnh và sự thừa nhận quốc tế đối với trường đại học, thể hiện qua hệ thống các đối tác chiến lược và vị trí xếp hạng quốc tế. Chất lượng giáo dục tạo ra nền tảng phát triển bền vững còn uy tín quốc tế giúp các trường đại học khẳng định vị thế và thu hút nguồn lực quốc tế cho trường đại học và giúp trường đại học vươn xa hơn. Cả hai yếu tố này được kết tụ và thể hiện qua thương hiệu của trường đại học”.

Bộ trưởng cho biết: Giải pháp về xếp hạng đã được nhiều nước, nhiều trường ĐH tham gia. Đối với Việt Nam, tới đây Bộ GD-ĐT đưa nhiệm vụ này là một trong những nhiệm vụ ưu tiên chỉ đạo để chúng ta minh bạch, và quan trọng hơn có những giải pháp phù hợp giúp các trường có xu hướng phát triển, hỗ trợ trực tiếp những điểm mà các trường đang cần để đạt đến chất lượng cao.

“Mục đích chúng ta khi hướng tới các xếp hạng quốc tế không phải để xếp hạng cao mà là nâng cao chất lượng. Việc nâng cao chất lượng gắn với việc xếp hạng để thấy được chúng ta đạt ở đâu, thiếu gì để hoàn thiện, bên cạnh đó, còn là nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm với cộng đồng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội" - Bộ trưởng nói.

Hội thảo là dịp để lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo các trường đại học thảo luận, đưa ra hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Thông qua Hội thảo, Bộ GD-ĐT khởi động mạng lưới các trường ĐH trọng điểm của Việt Nam với cam kết và quyết tâm cao trong công tác bảo đảm chất lượng, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy việc gắn kết giữa các trường đại học nhằm khẳng định uy tín và chất lượng của các đại học Việt Nam đối với thị trường giáo dục thế giới và khu vực.

MẠNH XUÂN - T.X

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm