Du lịch nông nghiệp gần đây phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nhưng việc khai thác loại hình du lịch này mới ở giai đoạn đầu, tự phát, nhỏ lẻ, chưa hiệu quả và không xứng với kỳ vọng. Tổng cục Du lịch (TCDL) đề xuất phối hợp với ngành Nông nghiệp xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Khách du lịch trải nghiệm làm đặc sản truyền thống cùng người dân ở Phục Hòa Cao Bằng
Vì sao chưa hiệu quả?
Đề xuất được coi là giải quyết “nút thắt” để phát triển du lịch nông nghiệp này được Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đưa ra tại Hội thảo “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” vừa diễn ra tại Hà Nội. Ông Tuấn nhấn mạnh, trong đề án cần chútrọng đến một số hoạt động như chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực cho một số điểm du lịch nông nghiệp; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng, gắn sao cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu cho sản phẩm du lịch nông nghiệp; chọn lọc, đẩy mạnh đưa sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại địa phương bằng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, bao bì mẫu mã thành hàng hóa phục vụ khách du lịch…
Với một đất nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn (Tổng cục Thống kê năm 2016) như Việt Nam, nơi có truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với nền sản xuất sinh thái nông nghiệp, văn minh lúa nước thì việc khai thác các loại hình du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tính chất bao trùm và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thể hoạt động của ngành Du lịch. Tuy nhiên, việc xây dựng sản phẩm, khai thác loại hình du lịch này như hiện nay là quá phí, chưa hiệu quả, chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Ở Việt Nam, hoạt động du lịch chủ yếu quy mô nhỏ, diện tích đất sản xuất hạn chế, nông sản có giá trị thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa… đã tác động rất lớn đến sự phát triển và khả năng cạnh tranh của du lịch nông nghiệp nước ta cũng như đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng tiêu dùng du lịch.
Mặc dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng những khu vực có đủ khả năng khai thác du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp không nhiều. Ở miền Bắc, các chương trình du lịch chútrọng khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ, sắc màu dân tộc vùng Tây Bắc: Tour trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh; tour du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan văn hóa, di sản, thưởng thức nghệ thuật truyền thống, làng nghề, thưởng thức đặc sản địa phương…
Miền Trung và Tây Nguyên tập trung khai thác tour trải nghiệm các hoạt động nghề nông tại Quảng Nam, Huế; nổi tiếng nhất là tour du lịch canh nông Đà Lạt và tour du lịch mùa cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên.
Đến Đồng bằng sông Cửu Long lại không thểbỏ qua du lịch miệt vườn sông nước, chợ nổi, cù lao, thưởng thức đàn ca tài tửở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… hay thăm rừng ngập mặn ở Kiên Giang, Cà Mau.
Đầu tư không đến nơi đến chốn
Du lịch nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, nhiều do anh nghiệp. Mặc dù chưa có thống kê, điều tra, đánh giá toàn diện lợi ích kinh tế xã hội do hoạt động du lịch nông nghiệp đem lại nhưng theo báo cáo từ một số địa phương, doanh nghiệp, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp ngày một tăng (Sở Du lịch TP.HCM thống kê tăng từ 20-30% mỗi năm), chi tiêu, thu nhập từ hoạt động du lịch nông nghiệp mang lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân, doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn, chưa chú trọng về thương hiệu, trùng lặp giữa các địa phương. Phần lớn bà con chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên không có đủ kỹ năng làm du lịch chuyên nghiệp, mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ của khách ở mức đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao; chưa tập trung khai thác dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực phẩm có khảnăng chữa bệnh, mỹ phẩm tự nhiên, spa; cơ sở hạ tầng một số nơi chưa hoàn chỉnh, dịch vụ homestay (khách ở cùng nhà dân) chưa đảm bảo vệ sinh. Đáng lo ngại nhất là sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn yếu. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp còn gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Ở nhiều địa điểm, nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp vô cùng khan hiếm, đặc biệt là những người có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao; nhân lực chủyếu được đào tạo đơn giản mà cũng rất ít, không đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Lãnh đạo TCDL cho rằng cần sớm rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch vàđầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, đặc biệt trong phạm vi vùng và tại từng địa phương, trong đó gắn chặt vào quy hoạch và các chính sách phát triển nông thôn mới trong ngành Nông nghiệp. Hai ngành cũng cần phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa phương để có đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp và các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, cần có sự liên kết chặt chẽ của ngành Nông nghiệp, Công thương, Công nghiệp chế biến và Du lịch. Xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá xúc tiến du lịch nông nghiệp của từng địa phương trên cơ sở giá trị cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp và nhu cầu thị trường.
Theo Thúy Hà/baovanhoa.vn