Thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề Thành phố Đà Nẵng năm 2018 (Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).
Đây là ý kiến từ hội nghị “Đề xuất nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội, cho rằng, cần ra đời giải thưởng này nhằm tôn vinh những người thợ giỏi tay nghề. Hiện nay, chúng ta mới chỉ tuyên dương các thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới. Trong khi đó, các đơn vị, thầy giáo, học viên tiêu biểu trong lĩnh vực này chưa được quan tâm nhiều. Cũng nên có Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp cho đội ngũ những người dành nhiều đóng góp trong hoạt động này.
Bà Hằng cũng đề nghị, để giáo dục nghề nghiệp thu hút học sinh, cần tổ chức đào tạo khép kín, đào tạo đầu vào và giải quyết việc làm học viên sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nên có chương trình cho vay vốn tự tạo việc làm, khởi nghiệp cho sinh viên học nghề. Cũng cần tuyên truyền cho mọi người hiểu rõ, đi học nghề không phải chỉ làm thợ. Với quá trình học tập suốt đời, người học sẽ có khả năng thăng tiến, học thêm kiến thức sau khi một thời gian đi làm. Khi đó, học viên học nghề sẽ có khả năng vượt trội hơn sinh viên mới vì đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt, trưởng thành và tiếp cận nhanh hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, bà Janna Wood, Tham tán Giáo dục và khoa học, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, cho biết, quốc gia này có khoảng 4,2 triệu học viên học nghề trong tổng dân số xấp xỉ 24 triệu người. Nước này đã thúc đẩy nhiều chương trình đa dạng như Đại sứ hướng nghiệp, Giải thưởng Đào tạo Australia… nhằm tôn vinh các cá nhân thành công và có đóng góp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, qua đó truyền cảm hứng cho cộng đồng để thu hút nhiều cá nhân tham gia học nghề.
Năm 2017, trên toàn quốc tuyển sinh các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,2 triệu người, đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng khoảng 1,66 triệu người.
Cả nước hiện có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 388 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1.035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.