Cập nhật: 03/05/2018 10:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 2/5 bắt đầu chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Triều Tiên.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa diễn ra thành công, trong khi Mỹ và Triều Tiên cũng đang xúc tiến một cuộc gặp thượng đỉnh trong vòng 3 tới 4 tuần nữa.

Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có mặt tại sân bay Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP

Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Triều Tiên  Ri Yong Ho ngay sau khi đặt chân đến Bình Nhưỡng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, ông Vương Nghị sẽ được thông báo nội dung cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 27/4 vừa qua, đồng thời trao đổi quan điểm với các quan chức Triều Tiên về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên sắp tới.

Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Triều Tiên kể từ năm 2007 đến nay. Việc Trung Quốc không cử Ngoại trưởng nào tới thăm Bình Nhưỡng trong suốt 10 năm qua phần nào cho thấy sự “xuống dốc” trong quan hệ thân thiết giữa hai đồng minh chủ chốt này.

Trung Quốc vốn là đồng minh ngoại giao và kinh tế duy nhất của Triều Tiên trong nhiều thập kỷ nhưng mối bang giao này đã rạn nứt nghiêm trọng, đặc biệt sau khi Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng.

Có vẻ như ngoài mục đích khôi phục mối quan hệ đồng minh đang xấu đi nhanh chóng, hay tạo tiền đề cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên theo lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến diễn ra trong năm nay, thì có lẽ chuyến thăm Triều Tiên của ông Vương Nghị lần này còn mang theo một thông điệp khác nữa.

Theo một số nhà phân tích, trong bối cảnh cục diện Bán đảo Triều Tiên đang bất ngờ xoay chuyển, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc thăm Bình Nhưỡng là một minh chứng cho thấy việc Trung Quốc đang gia tăng các nỗ lực ngoại giao nhằm tránh bị đẩy ra ngoài “cuộc chơi” trên Bán đảo Triều Tiên.

Một nhà nghiên cứu thuộc trung tâm chính sách toàn cầu, Đại Học Thanh Hoa (Trung Quốc), ông Triệu Thông, vừa đưa ra nhận định rằng, nhiều khả năng trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thuyết phục Triều Tiên áp dụng cơ chế đàm phán 4 bên để đảm bảo Trung Quốc không đứng ngoài lề các cuộc bàn thảo về tương lai bán đảo Triều Tiên.

Nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong giải quyết tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, một chuyên gia khác của Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR) cho biết: “Trung Quốc có thể đóng vai trò rất quan trọng, mà theo tôi, cụ thể là 2 vai trò. Một mặt là khuyến khích tất cả các bên, đặc biệt là Triều Tiên tham gia vào bàn đàm phán, mặt khác là khuyến khích Triều Tiên phát triển kinh tế.

Chúng ta hiện bắt đầu tiến trình tái hòa giải, nhưng các biện pháp trừng phạt theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc vẫn còn đó. Trung Quốc tất nhiên đóng vai trò quan trọng trong  vấn đề này. Vì vậy nếu Triều Tiên không thể đáp ứng yêu cầu của các bên, thì các lệnh trừng phạt này có thể vẫn sẽ được duy trì”.

Trong khi đó, đề cập chuyến thăm chính thức Triều Tiên 2 ngày của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người phát ngôn Hoa Xuân Doanh hôm qua (2/5) nhấn mạnh, chuyến thăm là động thái quan trọng trong việc thực hiện nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo hai nước về tăng cường giao lưu cấp cao và trao đổi chiến lược Trung-Triều.

 Cũng tại cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Doanh thông báo, Trung Quốc tán thành việc thiết lập thỏa thuận hòa bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời cam kết tham gia vào tiến trình này. Ngoài ra, khi được hỏi rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò như thế nào, người phát ngôn này nhắc lại đề xuất trước đó của Bắc Kinh về tiến trình "đóng băng kép" theo đó kêu gọi liên minh Mỹ-Hàn ngừng các cuộc tập trận chung, đổi lại Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Không thể phủ nhận vai trò trung tâm của Trung Quốc trên bàn cờ địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên nếu xét về vị trí, tầm ảnh hưởng ở Đông Bắc Á, cộng thêm mối quan hệ sẵn có của nước này với Bình Nhưỡng.

Ngược lại, về phía Trung Quốc, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng có tác động rất lớn đến lợi ích quốc gia của nước này, bởi vậy, việc Bắc Kinh muốn tìm một chỗ đứng trong tiến trình đàm phán hòa bình về tương lai bán đảo Triều Tiên, không muốn đứng ngoài bức tranh toàn cảnh để chứng kiến Mỹ làm chủ sân nhà đối với vấn đề quốc tế nóng này cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu./.

Theo Phương Anh/VOV.VN

Tệp đính kèm