Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của quy chế thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 là điểm thi sẽ được được làm tròn đến hai chữ số thập phân thay vì làm tròn đến 0,25 như các năm trước.
Thí sinh làm hồ sơ xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Đa số các trường đại học, cao đẳng đều dùng điểm kỳ thi này để xét tuyển.
“Vì thế, tính cạnh tranh trong mùa tuyển sinh đại học năm 2018 sẽ rất cao khi thí sinh đỗ-trượt có thể chỉ cách nhau 0,01 điểm,” bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định.
Điều chỉnh để đảm bảo công bằng
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quy định làm tròn điểm số đến 0,25 điểm đã được áp dụng từ rất lâu. Trong nhiều năm qua, các trường và thí sinh không có ý kiến gì về vấn đề này.
Tuy nhiên, sau mùa tuyển sinh năm 2017, khi sự chênh lệch điểm giữa các thí sinh không quá lớn, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Việc làm tròn điểm dẫn đến rất nhiều trường hợp thí sinh sau khi làm tròn có số điểm bằng nhau. Điều này khiến nhiều trường đại học phải đặt ra hàng loạt các tiêu chí phụ để loại bớt các thí sinh có cùng mức điểm bằng điểm chuẩn. Đại học Y Hà Nội đặt ra tới 4 tiêu chí phụ. Hàng loạt trường đại học khác như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, Đại học Phòng cháy chữa cháy… cũng phải kèm theo ba tiêu chí phụ bên cạnh điểm chuẩn. Các tiêu chí phụ thường được các trường sử dụng là số thứ tự nguyện vọng, số điểm môn chính…
Tuy nhiên, chính lãnh đạo các trường cũng thừa nhận việc sử dụng tiêu chí phụ là không thực sự công bằng vì không cho thấy rõ được sự khác biệt về năng lực giữa các thí sinh.
“Ví dụ thí sinh cùng số điểm nhưng khác về số thứ tự nguyện vọng thì rõ ràng đây không phải là cạnh tranh về năng lực,” ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp Hà Nội, nói.
Thậm chí, có trường hợp thí sinh trượt dù điểm thực cao hơn điểm chuẩn chỉ vì quy tắc làm tròn đến 0,25. Tiêu biểu như trường hợp thí sinh V.H.H. (ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), đăng ký vào ngành Y đa khoa, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. H. có tổng tổ hợp xét tuyển khối B là 29,35 điểm (do em thuộc khu vực 3 nên không có điểm cộng).
Theo quy tắc làm tròn đến 0,25, điểm của nam sinh giảm xuống còn 29,25 điểm.
Điểm chuẩn của ngành Y đa khoa mà H. đăng ký là 29,25 điểm nhưng có thêm tiêu chí phụ là điểm môn tiếng Anh phải đạt 9 điểm trong khi môn tiếng Anh của H. đạt 8,8 điểm. Vì thế, H. vẫn trượt ngành Y đa khoa dù tổng điểm thực tế của em là 29,35 điểm, cao hơn điểm chuẩn.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước những bất cập của quy định làm tròn đến 0,25 điểm, quy định làm tròn mới đến hai chữ số thập phân sẽ phản ánh sát hơn kết quả bài thi và đảm bảo công bằng hơn giữa các thí sinh. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp các trường thuận lợi hơn trong việc xét tuyển, giảm bớt việc phải đưa ra các tiêu chí phụ.
“Dù thí sinh được 4,99 điểm thì vẫn giữ nguyên 4,99 chứ không được làm tròn thành 5,” ông Nghĩa nói.
Sát sao công tác coi thi, đề thi
Với tính cạnh tranh cao trong mùa xét tuyển đại học năm 2018, khi thí sinh đỗ-trượt có thể chỉ cách nhau 0,01 điểm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, công tác đề thi và coi thi sẽ được Bộ sát sao hơn.
Thí sinh xếp hàng để nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật.
Cụ thể như việc quy định cán bộ tham gia đánh phách sẽ phải cách ly tuyệt đối để đảm bảo việc tối mật của số phách. Các phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi, phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi... đều được hoàn thiện.
Các hệ thống văn bản cũng được Bộ thực hiện sớm như điều chỉnh quy chế thi; văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để phối hợp tổ chức thi; tập huấn kỹ cho các sở giáo dục đào tạo, các trường đại học. Trên cơ sở đó, các sở giáo dục đào tạo và các trường tập huấn sớm cho cán bộ, giáo viên, giảng viên để làm tốt công tác coi thi.
“Trong tháng Năm, ban chỉ đạo thi sẽ tổ chức thanh kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi,” ông Trinh cho biết.
Về đề thi, theo ông Sái Công Hồng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc đề thi năm 2018 là 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh. Đề sẽ có 4 nhóm cấp độ câu hỏi, từ dễ đến trung bình, khó và rất khó.
Cũng theo ông Hồng, cách ra đề năm nay có một số điều chỉnh.
Cụ thể, với đề các môn khoa học tự nhiên như Vật lý, Hóa học, các câu hỏi khó không khó về tính toán nhưng sẽ khó về bản chất, hiện tượng hóa học, hiện tượng vật lý. Sẽ có các câu hỏi về thí nghiệm.
Môn Toán cũng sẽ có câu hỏi mang tính lý thuyết của toán học, để học sinh hiểu thực sự bản chất của toán chứ không chỉ là các bước giải.
“Hiện nay Cục Quản lý chất lượng đang chọn mẫu, định hướng các câu hỏi thi để làm sao câu hỏi thi sát với thực tế học tập của các em. Đề thi chỉ được xây dựng khi hội đồng làm đề đã được cách ly hoàn toàn,” ông Hồng nói./.
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2018-canh-tranh-dotruot-chi-bang-001-diem/501667.vnp