Nhiều học sinh lớp 9 mệt nhoài, căng thẳng bởi hết tăng giờ học ở trường, tăng ca học thêm đến tăng phụ đạo gia sư để thi vào lớp 10.
Theo quy định, ngày 10/5 là hạn cuối cho học sinh nộp “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019”.
Ngày 19/5, Sở GD-ĐT sẽ công bố chi tiết số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào từng trường THPT công lập trên địa bàn thành phố.
Học sinh muốn thay đổi nguyện vọng dự tuyển nộp đơn (theo mẫu) tại các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã trong hai ngày: 20 và 21/5/2018.
Năm nay, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã quyết định tăng chỉ tiêu vào lớp 10 do lứa “dê vàng” sinh năm 2003 tăng đột biến. Thế nhưng, cuộc chạy đua vào lớp 10 năm nay vẫn “nóng” hơn bao giờ hết...
Học sinh được nộp đơn thay đổi nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trong hai ngày 20 và 21/5
Học từ sáng đến đêm
Trong những ngày nắng nóng này, nhiều học sinh lớp 9 mệt nhoài, căng thẳng bởi hết tăng giờ học ở trường, tăng ca học thêm đến tăng phụ đạo gia sư… Trong tháng 5 này, với nhiều gia đình là thời điểm căng thẳng nhất vì mọi hoạt động đều tập trung cho việc thi vào lớp 10 của con.
Nếu như việc luyện thi vào đại học mấy năm nay đã bớt căng thì luyện thi vào lớp 10 lại đang trở nên “hot” tại các trung tâm luyện thi.
Em Phương, học lớp 9 tại trường điểm chia sẻ: “Năm nay cháu dự định thi vào THPT Phan Đình Phùng, năm trước điểm chuẩn là 51,5 điểm nhưng năm nay với mức cạnh tranh khốc liệt thế này thì nhiều thầy cô dự đoán các trường có thể tăng từ 0,5-1 điểm. Cả tháng nay chúng cháu chỉ đến trường ôn luyện hai môn Văn, Toán để chuẩn bị cho kỳ thi này. Ngoài ra, còn phải thi môn tiếng Anh để dự tuyển vào trường ngoài công lập. Chúng cháu cảm thấy rất căng thẳng và đuối sức”.
Giáo viên một trường THCS ở Hà Nội cũng nhận xét, học sinh lớp 9 năm nay chịu áp lực kinh khủng. Ngay từ đầu năm, trường đã lên kế hoạch ôn tập môn Văn và Toán. Và đến thời điểm này, thầy trò đang tập trung hết công suất để ôn luyện hai môn thi này.
Không chỉ học sinh bị áp lực mà ngay cả giáo viên cũng căng thẳng không kém. Chị Thúy, một phụ huynh cho biết, trong tháng cao điểm này con chị ngày nào cũng học từ sáng đến đêm. Cả tuần con chị kín lịch với 4 buổi Toán, 2 buổi Văn. Đi học về đến nhà con chỉ kịp ăn uống, nghỉ ngơi chút xíu là lại ngồi ôn luyện.
“Ngày nào con về nhà cũng trong tình trạng mệt nhoài, kiệt sức. Tôi xót lắm, nhắc nhở cháu nhưng bản thân cháu cũng cảm thấy áp lực nên cứ gắng sức. Chưa thi mà con đã sụt mất 2 cân rồi, tôi lo đến lúc thi cháu lại lăn ra ốm thì khổ. Chả biết phải làm sao…’ - chị Phương than thở.
Còn chị Ánh năm nay cũng có con gái thi vào 10 cho biết, cứ nghe mẹ nào mách nước ở đâu có thầy cô ôn luyện tốt là chị lại cho con đến học thử. Dù vậy chị vẫn cảm thấy chưa yên tâm nên quyết định thuê giáo viên về nhà kèm thêm cho con.
Ngoài ra chị còn cho con thi thử đến 3 đợt tại các trung tâm. Chị Ánh lo lắng cho biết: “Hai vợ chồng đều là công chức nên chị phải cắt giảm chi tiêu tối đa để đầu tư mỗi tháng 5-6 triệu đồng đóng tiền học các kiểu.
Tất cả sự cố gắng đó chỉ để “chen chân” được vào trường THPT công lập, bởi học phí trường dân lập mức học phí cao gấp mấy lần thì gia đình chị không đủ khả năng. Hơn nữa hiện nay cũng chỉ có rất ít trường dân lập chất lượng tốt...”.
Hoang mang chọn nguyện vọng
Không chỉ áp lực về việc học hành mà học sinh và phụ huynh còn thấp thỏm, hồi hộp đăng ký nguyện vọng sao cho khoa học để có khả năng trúng tuyển vào trường yêu thích mà lại không có nguy cơ rơi khỏi nguyện vọng thấp nhất vào một trường công lập. Năm nay với số lượng học sinh cuối cấp tăng cao thì nỗi lo này tăng gấp bội phần bởi nguy cơ biến động nguyện vọng là rất khó lường. Thậm chí, nhiều phụ huynh không yên tâm và tìm cách dịch chuyển nguyện vọng từ các trường nội thành ra ngoại thành với hy vọng nhiều cơ hội trúng tuyển.
Một thầy hiệu trưởng cho rằng, dù Hà Nội nói sẽ đảm bảo khoảng 60% học sinh được học trường công, tuy nhiên tỷ lệ này được tính chung cho toàn thành phố, vì vậy áp lực đang đổ dồn vào nội đô, bởi số lượng học sinh nội thành cao gấp nhiều lần ngoại thành. Suốt một năm qua, phụ huynh, giáo viên, học sinh luôn phải tính toán lựa chọn trường học nào vừa với sức học, vừa đúng sở thích.
Chị Hồng có con thi vào lớp 10 cho biết: “Đến giờ dù đã đăng ký nguyện vọng 1 vào vào trường THPT Nguyễn Trãi và nguyện vọng 2 vào trường THPT Tây Hồ nhưng 2 mẹ vẫn thấp thỏm, lo lắng đợi ngày 19/5 Sở GD-ĐT công bố lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường như thế nào để còn điều chỉnh nguyện vọng, tránh trường có tỷ lệ chọi cao”.
Nhiều phụ huynh than thở, học căng thẳng như thế chỉ mong được 1 suất học trường cấp III xứng đáng nhưng việc đăng ký nguyện vọng lại khá hên xui, chỉ cần “sai một ly đi một dặm”.
Thực tế, sau khi Sở công bố nguyện vọng nếu thấy trường mình đã đăng ký nguyện vọng có quá đông thí sinh thì học sinh lại có xu hướng chuyển đổi sang trường khác.
Cả phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên cùng hoang mang không biết nên hay không thay đổi nguyện vọng? Bởi tất cả chỉ là sự “đánh cược” khi mọi quyết định không dựa trên một cơ sở vững chắc nào. Có giáo viên thì khuyên dựa trên kết quả học tập cả năm của học sinh. Có người lại bảo tham khảo điểm thi học kỳ 2 của 3 môn thi là Toán, Văn, Ngoại ngữ để quyết định. Thế nhưng, đề thi mỗi quận khác nhau, khi thi theo đề chung của Sở GD-ĐT thì đánh giá thế nào cho chính xác?...
Hằng năm, có rất nhiều thí sinh rớt cả 2 trường công lập do đăng ký nguyện vọng không phù hợp, hoặc có những thí sinh đủ hay thậm chí dư điểm vào một trường mình thích mà do tính toán sai lại không đăng ký vào...
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội lưu ý: Học sinh cần cân nhắc kỹ các nguyện vọng khi điền vào phiếu này, bởi mỗi em chỉ được đổi nguyện vọng dự tuyển một lần.
Cánh cửa vào lớp 10 trường công quá hẹp nên nỗi khổ và lo lắng này của phụ huynh, học sinh cứ kéo dài triền miên năm này sang năm khác. Ngay bây giờ nhiều phụ huynh và học sinh lớp 8 đã bắt đầu bước vào “cuộc hành trình” đầy lo âu này khi năm tới HS thi vào lớp 10 sẽ phải làm bài thi tổ hợp./.
Thu Hằng
Theo VOV.VN