Giàu sản vật địa phương nhưng lại thiếu sản phẩm quà tặng du lịch đặc thù. Đó là nghịch lý đang tồn tại tại các điểm du lịch ở Hải Dương khiến nguồn lợi kinh tế và kênh quảng bá văn hóa, du lịch này chưa được khai thác hiệu quả.
Bưu ảnh chụp cảnh vật của mọi miền đất nước bán cho khách nhưng không có cảnh nào của Hải Dương
Nghèo nàn
Bên ngoài khuôn viên khu di tích Côn Sơn, cạnh bãi gửi xe có hệ thống các hàng quán phục vụ khách du lịch khá dày đặc. Nhưng sản phẩm bày bán ở các gian hàng rất giống nhau và nghèo nàn về chủng loại. Ngoài đồ phục vụ việc đi lễ, chỉ có đồ ăn và các đồ lưu niệm rất nhàm chán như vòng, khánh nhựa, gương lược… có thể bắt gặp nhan nhản ở tất cả những nơi có đền, chùa khác. Một số sản vật của địa phương như hành, tỏi Kinh Môn, hạt dẻ Chí Linh nhưng hình thức bày bán không hấp dẫn và không được quảng bá để người mua biết, tin tưởng mua. “Đồ bán ở đây không có gì đặc biệt so với những nơi khác. Tôi muốn mua gì đó đặc trưng của địa phương hoặc di tích về làm quà nhưng không có”, chị Nguyễn Thị Huyền, một du khách đến từ Hải Phòng nhận xét.
Đó là tình trạng phổ biến tại các điểm du lịch trong toàn tỉnh Hải Dương hiện nay. Ở tất cả các điểm đến đều có những dịch vụ hàng quán đi kèm phục vụ du khách, nhưng sản phẩm bán ra không có bản sắc riêng, không có giá trị kinh tế cao. Người bán hàng thường nhập tất cả các mặt hàng có thể bán được từ các đầu mối bỏ sỉ, chứ không có ý thức về việc bán đồ lưu niệm du lịch khác với bán hàng tạp hóa. “Tôi bán hàng ở đây hơn 10 năm rồi, vẫn chỉ bán các loại đồ chơi cho trẻ con như thế này. Có đồ tôi lấy ở thị trấn, có đồ nhập về từ TP Hải Dương. Cái gì bán được nhanh thì lần sau nhập nhiều hơn”, cô Sao, một người bán hàng lâu năm tại khu du lịch Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) cho biết.
Các hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch vì thế chỉ giống các gian hàng tạp hóa rẻ tiền, có thể gặp ở bất cứ đâu. Sản phẩm của họ vẫn tiêu thụ được vì du khách khi đi tham quan thường có nhu cầu mua đồ làm quà, đặc biệt là quà cho trẻ em. Dù sản phẩm bán ra không có gì đặc trưng song họ vẫn tặc lưỡi mua. Bởi lẽ đó, các sản phẩm bán ra không có ý nghĩa về mặt văn hóa, không quảng bá được cho du lịch địa phương.
Manh mún và thiếu đầu tư
Các địa phương có điểm du lịch đều không thiếu các sản vật đặc trưng. Những sản phẩm này bước đầu đã được bày bán nhưng vẫn manh mún, chưa có sự đầu tư nên chưa trở thành quà tặng du lịch hấp dẫn, có lợi ích kinh tế cao. Tại điểm biểu diễn rối nước của phường rối Hồng Phong (Ninh Giang), mỗi khi có đoàn khách tới xem, cô Đặng Thị Liên lại dọn hàng lưu niệm ra bán. Quầy hàng của cô có 3 mặt hàng là bưu thiếp các thắng cảnh của Việt Nam, hoa quả nhà trồng theo mùa và các con rối nhỏ. Bộ bưu thiếp cô Liên bày bán có hầu hết các cảnh đẹp nổi tiếng của đất nước, nhưng không có cảnh đẹp nào của Hải Dương. Còn các con rối là quà tặng du lịch đặc trưng gắn với các tiết mục du khách vừa được xem. Nhưng điều trớ trêu là những con rối này được cô Liên nhập về bán từ… Hà Nội. “Khách nước ngoài rất thích mua những con rối này về làm quà tặng. Nhưng tôi thường phải nhờ hướng dẫn viên giới thiệu với họ thì họ mới dừng lại mua”, cô Liên cho biết. Trong khi đó, cạnh điểm biểu diễn rối có phòng trưng bày các tiêu bản rối đặc trưng của phường rối Hồng Phong lại không có sản phẩm, quà lưu niệm là các con rối nào để bán.
Ở Đảo Cò Chi Lăng Nam đã có bán sản phẩm của làng bánh đa Hội Yên được đóng gói với nhãn mác ghi rõ tên sản phẩm, địa chỉ. Nhưng hình thức của sản phẩm chưa bắt mắt, còn cồng kềnh, mang đi đường xa dễ bị gẫy vụn. Sản phẩm này không được quảng bá và bán thường xuyên nên nhiều khách tới đây không biết đến để mua. Khi chưa được đầu tư nhiều về hình thức, giá bán của 1 kg bánh đa ở đây cũng chỉ dừng lại ở mức 20.000 đồng (cao hơn 3.000 đồng so với mua tại Hội Yên, nơi sản xuất). Như vậy, lợi ích kinh tế vẫn rất hạn chế, chưa xứng tầm là sản phẩm đặc thù của địa phương.
Khu di tích Côn Sơn có vườn thuốc nam khá nổi tiếng nên nhiều du khách tới đây thích mua cây về trồng. Hiện có một số hàng bán cây cảnh nhưng cũng chưa có gì đặc trưng, đặc sắc. Sản phẩm bán ra chưa có cách đóng gói thích hợp để du khách mang đi đường xa nên nhiều người muốn mua nhưng ngần ngại cây sẽ gẫy, hỏng trong quá trình di chuyển.
Để biến sản vật địa phương thành quà tặng du lịch đặc sắc, cần có sự xây dựng, đầu tư bài bản và sự liên kết giữa chính quyền địa phương, ngành văn hóa và người dân đang kinh doanh tại các điểm đến. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn tạo được điểm nhấn trong lòng du khách, góp phần quảng bá cho du lịch tỉnh.
Theo baovanhoa.com.vn