Cập nhật: 28/05/2018 09:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Suốt hải trình của đoàn công tác số 7 thăm Trường Sa mới đây, các chiến sĩ hải quân trên tàu 571 (tàu Trường Sa) luôn có những chia sẻ, tâm sự về biển đảo. Nhưng điều được nhắc đến và đọng lại nhiều nhất trong mỗi người chính là tình cảm, sự nỗ lực hết mình trong chăm sóc sức khỏe quân, dân nơi đảo xa đã trở thành điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển.

Bác sĩ Bùi Công Hưng (đảo Ðá Tây) chuẩn bị thuốc, dụng cụ y tế sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho ngư dân.

Với những ngư dân bám biển, mỗi chuyến ra khơi xa thường kéo dài cả tháng trời, thậm chí có thể tới vài tháng. Vì vậy, việc thiếu nước ngọt, hỏng máy tàu hay sức khỏe không tốt… là việc đáng lo ngại. Trong đó, giữa biển khơi mênh mông chỉ một tai nạn thương tích hoặc một diễn biến sức khỏe không tốt có thể gây hậu quả khó lường bởi nếu vào đến đất liền cũng mất vài ba ngày. Tuy nhiên, giờ đây trên khắp các đảo ở Trường Sa đều có các tổ, các kíp hỗ trợ mỗi khi người dân cần trợ giúp. Các đảo đều có các y, bác sĩ và trở thành điểm tựa vững chắc trong chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và người dân.

Tại đảo Ðá Tây, nơi có khu dịch vụ hậu cần nghề cá, đại úy, bác sĩ Bùi Công Hưng cho biết: Tổ quân y trên đảo chỉ có ba người, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, các y, bác sĩ vẫn thường xuyên tích cực chăm sóc cho ngư dân trên biển khi có các vấn đề về sức khỏe. Mỗi năm tổ quân y điều trị, cấp phát thuốc cho khoảng 550 đến 600 lượt người dân… Có những trường hợp tưởng chừng như vượt ngoài khả năng, bởi các điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị chưa bảo đảm nhưng bằng sự nỗ lực, các y, bác sĩ đã cứu người dân qua được nguy kịch. Ðáng nhớ là trường hợp ngư dân đi biển bị ngộ độc cá, nôn ói, mất nước, tàu chạy hơn một ngày mới đến đảo, dẫn đến huyết áp đã tụt chỉ còn 60/30, trụy tim mạch. Lúc đó, các y, bác sĩ trên đảo chỉ còn biết nỗ lực hết mình thực hiện các biện pháp cấp cứu liên tục trong hơn một giờ đồng hồ. Nhờ đó, người dân mới hồi tỉnh rồi điều trị sức khỏe ổn định. Hay trường hợp một người dân bị tai nạn máy cưa đá gần như bị đứt toàn bộ ngón tay cái đã được các y, bác sĩ , nối thành công. "Xử lý y tế ngoài đảo đòi hỏi người bác sĩ phải bình tĩnh, chuyên môn vững vàng. Phần lớn các y, bác sĩ ngoài đảo khi còn ở trong đất liền đã tích cực các hoạt động chuyên môn, khi ra đảo luôn nỗ lực hết mình cho nên đều tự chủ được các trường hợp phải cấp cứu, bảo đảm tốt sức khỏe cho ngư dân. Với ngư dân sau khi được điều trị khi ra khơi trở lại, cứ mỗi dịp qua đảo, họ lại mang quà là vài con cá biển vừa đánh bắt được cảm ơn cán bộ, chiến sĩ, khiến ai nấy đều thấy ấm lòng"- đại úy Hưng nhớ lại.

Rời đảo Ðá Tây, có mặt tại Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa), chúng tôi gặp anh Nguyễn Hà, bị câm bẩm sinh, ngư dân ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) không may bị thương tích khi đang đánh cá tại ngư trường cách đảo Trường Sa 130 hải lý phải tháo khớp ngón tay. Vận tốc tối đa tàu cá chỉ chạy được bảy hải lý/giờ cho nên suốt hơn một ngày mới đến được đảo khiến vết thương bị hoại tử, nếu tiếp tục kéo dài có thể ảnh hưởng cả cánh tay. Tuy nhiên, khi lên đảo, được các bác sĩ của Trung tâm tận tình kiểm tra, chăm sóc điều trị cho nên sau hơn mười ngày, vết thương đã dần ổn định. "Vừa được lưu trú, điều trị miễn phí tại trung tâm, hằng ngày lại xuống nhà ăn của bộ đội sinh hoạt; được bác sĩ và anh em chiến sĩ tận tình chu đáo giúp đỡ những người đi biển như chúng tôi yên tâm lắm"- anh Ðỗ Văn Chung (người nhà anh Hà) chia sẻ.

Không chỉ ngư dân đi biển xa cảm thấy yên lòng, theo anh Võ Xuân Bão, cư dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn, các gia đình khi có vấn đề về sức khỏe thường xuyên lên bệnh xá của đảo để các y, bác sĩ khám, kiểm tra sức khỏe. Không chỉ vậy, ngư dân tàu cá đi đánh bắt xa bờ không may gặp tai nạn thương tích cũng hay vào khám, được điều trị nhiệt tình, chu đáo, cấp thuốc hướng dẫn chi tiết. Anh Bão cho biết: "Nơi đảo xa còn thiếu nhiều lắm nhưng tình quân - dân thì lúc nào cũng tràn đầy. Người dân đánh bắt cá được nhiều cũng thường về chia sẻ với các chiến sĩ." Theo trung úy Nguyễn Văn Thoan, bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn, ngoài khám, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, các y, bác sĩ còn chú trọng việc khám, điều trị cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Nhất là vào thời điểm có bão đi qua, người dân vào tránh trú bão và tranh thủ khám kiểm tra sức khỏe, nhận cấp phát thuốc khá nhiều. Ngày cao điểm nhất có khoảng 40 người vào khám hoặc xin cấp phát thuốc. Trung úy Thoan tâm sự: Vì cuộc sống mưu sinh nhiều khi ngư dân ít quan tâm đến kiểm tra sức khỏe. Có trường hợp ngư dân có bệnh lý, nếu như ở bệnh viện phải nằm điều trị nhưng chỉ vào bệnh xá trên đảo khám kiểm tra xong, xin thuốc rồi lại theo tàu ra khơi. Với đội ngũ y, bác sĩ trên đảo, những lúc như vậy chỉ luôn mong muốn và cố gắng hết mình để chữa trị, hướng dẫn ngư dân bảo đảm sức khỏe tốt nhất.

Các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo cũng như ngư dân luôn được bảo đảm tốt. Theo đại tá Ngô Duy Ðỗ, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 (Ðoàn Trường Sa), Hải quân Vùng 4: Ðội ngũ y, bác sĩ và trang thiết bị y tế trên các đảo ở Trường Sa hiện nay được cải thiện đáng kể. Nhiều y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao của các bệnh viện lớn như Trung ương quân đội 108, 175, 103… ra công tác tại các đảo. Một số đảo đã có kết nối trực tuyến với các bệnh viện lớn, cho nên mọi hình ảnh, diễn biến của người bệnh đều được các bác sĩ có chuyên môn cao của các bệnh viện hội chẩn cùng tham gia đánh giá chuyên môn, chẩn đoán để cấp cứu, điều trị. Có những trường hợp nặng đã được đưa về đất liền bằng trực thăng cấp cứu kịp thời tạo niềm tin vững chắc về điều trị, chăm sóc sức khỏe cho quân, dân trên đảo cũng như ngư dân vươn khơi bám biển.

Bài và ảnh: XUÂN KỲ

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm