“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta, giữa đại dương, mang tình thương quê nhà...”. Đã ngót bốn thập niên hiện hữu trong đời sống âm nhạc nhưng những ca từ ấy vẫn không ngừng mạch sống trong trái tim người yêu nhạc, yêu quê hương, đất nước.
Nhạc sĩ Thế Song ra với Trường Sa năm 1995.
1. Cái cách ra đời của “Nơi đảo xa” khá đặc biệt. Năm 1979, khi cả quân và dân đang dồn toàn lực cho cuộc đấu tranh bảo vệ từng tấc đất biên cương, hai nhạc sĩ Thế Song và Phạm Tịnh đi thực tế sáng tác ở vùng biên giới thuộc địa giới tỉnh Quảng Ninh. Lúc quay trở về, đến Km8 thuộc Hạ Long ngày nay, đúng trạm sửa chữa tàu biển số 48 của bộ đội hải quân, biết các nhạc sĩ trung ương ghé qua, anh em trạm sửa chữa đã mời ở lại chơi.
Từ những câu chuyện chia sẻ và nhìn những vất vả trong thực tế, lại giữa lúc đất nước đứng trước thử thách, những hình ảnh người chiến sĩ hải quân, biển đảo quê hương cứ ám ảnh trong tâm trí nhạc sĩ Thế Song. Và cứ thế, trên đoạn đường từ Hạ Long về Hà Nội, “Nơi đảo xa” đã ra đời. Ca khúc ngay sau đó được dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện với phần hát của cố nghệ sĩ Tiến Thành, một giọng hát trữ tình, nồng nàn, da diết, bình dị mà ấm áp. Ca khúc ngay sau khi lên sóng đã nhanh chóng lan tỏa khắp đất nước và trở nên quen thuộc với những người lính quần đảo Trường Sa.
Ấy vậy nhưng phải 16 năm sau, khi ca khúc đã nằm lòng trong trái tim những người lính đảo thì cha đẻ của ca khúc, nhạc sĩ Thế Song mới có dịp được đặt chân tới Trường Sa trong sự hân hoan chào đón của những người lính đảo, đan xen tiếng reo hò là những giai điệu lời ca của “Nơi đảo xa” lan tỏa khắp không gian biển trời.
2. “Nơi đảo xa” viết ở giọng thứ, nhưng giai điệu mở đầu với ca từ “Nơi anh đến” lại được vút lên ở âm khu cao tạo một không gian khoáng đạt, trong sáng, dứt khoát. Gối tiếp vào nét giai điệu thứ hai trong ca từ “là biển xa” ở âm khu thấp hơn, như lắng xuống nhưng vẫn chắc nịch. Vẫn nét giai điệu này được nhắc lại một lần nữa trong ca từ “Nơi anh tới - ngoài đảo xa”, sau đó tiếp tục xuất hiện những nét giai điệu ngắn gối tiếp nhau có chiều hướng cao dần lên trong các ca từ: “Từng mảnh đất quê ta” “giữa đại dương” “mang tình thương” và chựng lại ở “quê nhà”... Để rồi lại bùng lên những ca từ dứt khoát: “Đây Trường Sa! Kia Hoàng Sa! Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua”. Sau đó tiếp tục giai điệu dồn dập, gối tiếp: “Lướt sóng con tàu mang tín hiệu trong đất liền, mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi...”. Cứ thế, cứ thế dường như không có sự ngừng nghỉ tạo cảm giác như những con sóng liên tiếp từ nhỏ đến lớn khiến cảm xúc dâng trào cuốn người nghe trôi cùng âm nhạc. Có lẽ, đây chính là một trong những nét độc đáo và tạo sự thành công của ca khúc góp phần khẳng định phong cách riêng của tác giả.
Bên cạnh đó, ca khúc mang tính trữ tình tự sự, dẫu thế vẫn ngập tràn tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu Tổ quốc. Nhìn lại thời điểm ra đời sẽ thấy trong khi phần nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc đề tài chiến sĩ, hải đảo thường chọn âm hưởng hoành tráng, nhịp hành khúc thì có lẽ “Nơi đảo xa” cũng là một nét riêng ở giai đoạn ấy.
Nhạc sĩ Thế Song là người gốc Hà Nội. Ông sinh năm 1933, trong gia đình trung lưu ở làng An Trạch, thuộc phường Bích Câu xưa. Ông là con thứ 11 trong gia đình có 12 người con, người em trai của ông là nhạc sĩ Văn Dung. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông có 40 năm gắn bó tại Đài Tiếng nói Việt Nam với tư cách một ca sĩ và sau đó là cán bộ biên tập âm nhạc. Ông có duyên với biển đảo, là cha đẻ của nhiều ca khúc viết về mảng đề tài này được giới thiệu thường xuyên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng với “Nơi đảo xa”, các tác phẩm “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”, “Tình yêu bên suối” đã góp phần để nhạc sĩ Thế Song được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2017. Ông vừa tạm biệt cõi đời vào ngày 20-5, tức ngày 6-4 âm lịch, hưởng thọ 86 tuổi. “Nơi đảo xa” của ông vẫn sẽ là những lớp sóng không ngừng nối biển bờ cùng hải đảo yêu thương của Tổ quốc.
Theo LONG NGUYỄN/nhandan.com.vn