Chúng tôi may mắn có mặt cùng với Đoàn công tác số 8 do T.Ư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh dẫn đầu tới thăm 10 điểm đảo và một nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa. Thật bất ngờ, giữa biển đảo mênh mông, những khu vườn xanh mát, những “công trình” nông nghiệp thực thụ, kỳ thú đang được quân và dân chắt chiu, gieo trồng và gìn giữ.
Nhiều vườn rau được chăm sóc trở nên xanh tốt trên đảo Đá Lớn C.
Sản phẩm nông nghiệp đa dạng
Nơi tôi cùng hơn 200 thành viên trong đoàn công tác đặt chân tới đầu tiên sau hành trình gần hai ngày lênh đênh sóng nước là đảo Đá Lớn C (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa). Hòn đảo chìm chạy dài theo hướng bắc - nam. Nhà văn hóa đa năng bốn tầng nằm nổi bật trên biển. Tuy là đảo chìm, diện tích đất tự nhiên không có nhưng từ nhiều năm nay, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã tự chủ được lương thực, nhất là rau xanh để phục vụ sinh hoạt.
Đồng chí Lê Thanh Hiệu - Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn C cho biết, ngoài việc tăng gia nuôi gà, vịt, hiện tại đảo còn xây dựng vườn rau xanh thanh niên. Đây còn là nơi để các chiến sĩ thư giãn, gửi gắm tình yêu nỗi nhớ nhà. Mỗi loại rau được trồng trên đảo là một món quà gắn với một kỷ niệm mà các đoàn công tác gửi tặng anh em.
“Nhớ cách đây một năm lúc mới ra đảo, các đồng chí công tác lâu năm ở đây vẫn truyền tai nhau về khó khăn trong việc sinh hoạt. Thiếu nước, trồng rau cũng không có nước mà tưới, vì thế, hầu như không có rau xanh để cải thiện. Giờ mọi người thấy đấy, nhờ có máy lọc nước, anh em chủ động được nước sinh hoạt, lại có thể tiết kiệm nước để tăng gia, trồng rau, nuôi gà vịt. Có rau, có thịt tươi nên bữa ăn cũng không còn đạm bạc như trước”, đồng chí Hiệu nói.
Cách Đá Lớn C khoảng 42 hải lý là đảo Sơn Ca - hòn đảo đẹp nhẹ nhàng, thơ mộng như cái tên vốn có của nó. Từ xa, đảo Sơn Ca hiện lên như một công viên thu nhỏ. Mầu xanh mướt mát của những cây bàng vuông, cây phi lao theo gió thổi rì rào, hòa vào tiếng sóng nước. Đảo Sơn Ca không có nguồn nước ngọt tự nhiên, bù lại, nơi đây lại được bù đắp bởi các bãi đất cát san hô phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim nên đất đai màu mỡ. Thảm thực vật tại đây đa dạng và xanh tốt với các loài bàng vuông, muống biển, phi lao, sồi và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên hoặc mang từ đất liền ra. Một vài loài cây ăn quả như bưởi, mít, na, ổi và thanh long cũng đang được trồng mới tăng mầu xanh và sự đa dạng. Nếu một lần đặt chân lên đảo Sơn Ca, được thăm vườn rau thanh niên của đảo mới thấy hết vẻ đẹp, sự cần cù chịu khó của những chàng lính đảo nơi đây.
Đón chúng tôi tại cổng cảng của đảo Sơn Ca, chiến sĩ trẻ Đặng Đình Trung, 21 tuổi (Đồng Nai) đứng cột dây, neo xuồng không giấu được vẻ mặt háo hức. Trung cho biết, dù mới ra công tác được sáu tháng nhưng đảo thật sự đã trở thành ngôi nhà thứ hai của anh.
Cũng như các chiến sĩ khác trên đảo, hằng ngày Trung tham gia làm nhiệm vụ chính trị, huấn luyện quân sự và tăng gia sản xuất. Trung cho biết, thời gian trồng rau xanh chăn nuôi là thời gian mà cậu cảm thấy rất thích thú. Trung đưa tôi dạo một vòng quanh đảo, rồi dẫn tôi vào khu vườn rau xanh. Vườn rau được chia làm ba khu, tận dụng diện tích trống trên đảo, các chiến sĩ dựng nhà kính, chia lô trồng rau. Phía dưới sẽ dùng các khay nhựa, dùng đất sinh học, trộn với phân để trồng rau, hoặc gieo hạt giống. Hiện tại, khu vườn có hơn 20 loại rau, quả các loại. Nhiều nhất có thể kể tới như mùng tơi, rau muống, cải ngọt, bí đỏ, bí xanh, mướp... Cách đó không xa, chừng 20 m là chuồng nuôi gà, vịt của đảo. Dù chuồng khá bé, nhưng có thời kỳ đỉnh điểm nơi đây đã nuôi được tới gần 40 con gà, vịt.
“Sắp tới, anh em trong đơn vị sẽ gieo thêm nhiều loại rau thơm, cây rau có vị thuốc để cải thiện, tăng cường sức khỏe. Thêm vào đó, nếu được sẽ ấp trứng gà, trứng vịt mở rộng đàn gia cầm”, Trung giới thiệu thêm về dự định của đơn vị.
Thay bướm, ong… thụ phấn
Có một điều kỳ lạ, nếu bạn từng đến với quần đảo Trường Sa tập trung quan sát sẽ thấy rất nhiều những hòn đảo chìm, đảo nổi ở đây không có ong, có bướm. Dù vậy, nhưng nhiều cây, nhiều vườn hoa trên đảo vẫn đơm bông kết trái, tạo thành những khu vườn kỳ thú.
Một ngày làm việc của các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh bắt đầu từ 5 giờ sáng. Thông thường cứ 5 giờ là toàn đảo báo thức, anh em chiến sĩ tập thể dục, tưới cây, trồng rau. Ngoài nhiệm vụ ấy, ít người biết được các chiến sĩ này còn là những “chú ong” thụ phấn cho hoa.
Vừa đặt chân tới đảo, tôi đã bắt gặp hình ảnh chiến sĩ Hoàng Xuân Bình đang hí hoáy múc nước dưới bể ngầm tưới cho những luống rau xanh trên đảo. Cạnh anh Bình là chiến sĩ Hoàng Văn Nam cũng đang tỉ mẩn nhặt từng bông hoa mướp đực thụ phấn vào hoa mướp cái. Mới nhìn có vẻ rất khó hiểu, nhưng Nam cho biết đây là công việc thường xuyên được các anh làm hằng ngày. “Mỗi sáng anh em chiến sĩ thường dậy từ 5 giờ để tập thể dục, chăm sóc cây xanh, tưới cây và thụ phấn thay ong cho vườn cây mướp, bầu, bí. Nếu không có kinh nghiệm, sự quan sát tỉ mỉ thì sẽ không làm được”, Nam nói.
Nhờ có bàn tay tài hoa của những “ông đỡ” bán chuyên mà những giàn mướp, giàn bí xanh lúc nào cũng xanh mướt và trĩu quả. Đồng chí Trần Quang Sự - Chính trị viên Đảo Phan Vinh cho biết, ngoài nhiệm vụ chính trị, đảo xác định công tác tăng gia là nhiệm vụ vô cùng quan trọng vì “có thực mới vực được đạo”. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác tăng gia ở đảo Phan Vinh có nhiều khó khăn hơn những đảo khác. “Mùa biển động, gió to, sóng vỗ nước bay lên cảm giác như mưa giăng khắp đảo. Mấy năm gần đây, quân chủng cũng tạo điều kiện cung ứng vật liệu, giống rau, đất, phân để làm ba vườn rau xanh. Nhờ vậy mà nhu yếu phẩm cũng được giải quyết”, anh Sự nói: “Sau mỗi trận bão, trời có mưa nên anh em mang các khay đất ra xới lên cho nước mưa vào để rửa trôi mặn. Ngoài trồng rau, đảo Phan Vinh còn chăn nuôi heo, nuôi gà, vịt. Hằng tháng anh em trên đảo cũng thịt một - hai con heo cho các chiến sĩ cải thiện”.
Sau nhiều nỗ lực trong việc tăng gia, đến nay đảo Phan Vinh là một trong ít đảo chủ động được lương thực như rau xanh và thịt lợn cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Hiện nay đảo Phan Vinh có khoảng 100 con gà, vịt, 10 con heo. Rau được cán bộ, chiến sĩ hái hằng ngày, riêng lợn thì được nhà bếp làm rồi cấp đông cho tủ đông lạnh để cán bộ, chiến sĩ ăn dần.
Cũng là một trong những đảo tiền tiêu, Tốc Tan B không chỉ mạnh về chính trị mà còn mạnh cả về tăng gia. Nhiều năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ trên đảo không chỉ trồng rau, nuôi lợn, nuôi chó mà còn tự ấp được gà, vịt để mở rộng đàn gia cầm, góp phần tăng gia cho cán bộ chiến sĩ.
Đại úy Lê Hoàng Kiên - Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan B cho biết, nhờ biết nắm bắt thời tiết và lựa chọn rau xanh trồng theo từng mùa vụ, cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi, nên năm 2017 hoạt động tăng gia của đảo đạt kết quả tốt. Theo tính toán, thu nhập từ việc tăng gia sản xuất đạt gần hai triệu đồng/người/năm. Thành quả đó đã giúp bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo không còn thiếu rau xanh và thực phẩm tươi như xưa. Đời sống bộ đội trên đảo được cải thiện là điều kiện thuận lợi để nâng cao sức mạnh chiến đấu.
BÀI & ẢNH: QUANG ANH
Theo nhandan.com.vn