Cập nhật: 19/06/2018 14:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ô nhiễm môi trường là vấn đề đáng quan tâm tại nhiều vùng nông thôn trong cả nước do việc thu gom, xử lý rác thải chưa được triệt để. Mô hình lò đốt rác sinh hoạt do kỹ sư Trần Văn Kiều (huyện Xuân Trường, Nam Ðịnh) nghiên cứu, chế tạo thành công đang phát huy hiệu quả, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Đến một số nơi ở TP Nam Ðịnh những ngày cuối tháng 5, điều khiến chúng tôi ấn tượng là phần lớn các tuyến đường, khu dân cư được giữ gìn sạch đẹp, hầu như không thấy hiện tượng đổ rác thải bừa bãi. Có được thành quả ấy là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chung sức, đồng lòng của người dân. Hiện, tỉnh Nam Ðịnh đầu tư xây dựng hơn 100 công trình bãi chôn lấp hợp vệ sinh cho 116 xã, thị trấn, triển khai xây dựng 30 lò đốt rác theo công nghệ mới, có tuổi thọ từ 10 đến 20 năm.

Bà Ðinh Thị Nga (ở xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường) cho biết: Nếu so với cách đây gần 10 năm, môi trường tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Và người đóng góp nhiều công sức vào việc bảo vệ môi trường là kỹ sư Trần Văn Kiều. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội, anh trở về quê hương (huyện Xuân Trường) lập nghiệp. Trò chuyện với chúng tôi, kỹ sư Kiều nhớ lại, năm 2009, khi thành lập Công ty TNHH Tân Thiên Phú chủ yếu là sản xuất các loại máy, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhưng khi chứng kiến việc ô nhiễm từ các nguồn rác thải sinh hoạt tại các xã vùng lân cận, anh đã nảy sinh ý tưởng và bắt tay nghiên cứu, chế tạo thiết bị để xử lý rác. Qua thời gian dài miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ của các nước trên thế giới, năm 2012, anh đã chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt dựa vào phương pháp đốt trên cơ sở tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng (LOSIHO) với khả năng xử lý nhanh trong vòng 24 giờ, bảo đảm các quy chuẩn về môi trường. Theo đó, rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới với ưu điểm mất ít thời gian, có thể thay thế hoàn toàn phương pháp chôn lấp hoặc đốt lộ thiên; không phát sinh mùi và ô nhiễm nguồn nước ngầm do quá trình tích tụ rác như nhiều mô hình trước đây.

Với giá bán lại thấp hơn hẳn so với giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường, nên đến nay đã có hơn 100 lò đốt rác LOSIHO được lắp đặt và đưa vào sử dụng tại các tỉnh: Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, Nghệ An… Xã Hải Sơn (huyện Hải Hậu) mới đạt 8 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tiêu chí môi trường khó thực hiện nhất bởi là xã phát triển nghề mộc, lượng rác thải đổ ra từ các làng nghề tương đối lớn. Mặt khác, do xã chưa có khu xử lý rác thải tập trung, cho nên môi trường bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Một thời gian sau, được đầu tư xây dựng lò đốt rác LOSIHO, đồng thời thành lập đội thu gom rác thải nên môi trường ở xã ngày càng được cải thiện.

Với những nỗ lực trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, Công ty TNHH Tân Thiên Phú do kỹ sư Trần Văn Kiều làm Giám đốc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Ðoàn trao tặng: "Giải thưởng Lương Ðịnh Của", giải thưởng "Môi trường Việt Nam", giải "Tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam"; Huy chương vàng "Ðổi mới - Sáng tạo"… Sản phẩm lò LOSIHO được bình chọn là một trong 10 sản phẩm dịch vụ tiêu biểu vì thiên nhiên môi trường bền vững do Ban tổ chức Chương trình công nghệ xanh quốc gia chứng nhận. Nhiều người dân ở các huyện của tỉnh Nam Ðịnh như: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Mỹ Lộc... gọi Trần Văn Kiều là "Người sáng chế vì môi trường trong lành" do đã góp phần xây dựng quê hương ngày càng xanh - sạch - đẹp. 

Theo ANH PHẠM/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm