Cập nhật: 24/06/2018 11:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Số liệu thống kê vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã ở mức báo động và còn tiếp tục có xu hướng tăng trong những năm tới. Để ngăn chặn những tác hại của bia, rượu, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải có những giải pháp toàn diện.

Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cảnh báo, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động. Trong khi lượng rượu, bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong vòng mười năm qua thì ở Việt Nam lại tăng rất cao. Theo thống kê, năm 2008, Việt Nam mới đứng thứ tám châu Á về tiêu thụ bia, đến năm 2016 đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ ba trong khu vực. Năm 2017, sản lượng bia tiêu thụ ở Việt Nam là 4,006 tỷ lít. Con số này đã gần đạt mục tiêu đạt 4,1 tỷ lít bia vào năm 2020 theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam. Với số dân gần 94 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm. Dự báo mức tiêu thụ này sẽ còn tiếp tục tăng vì theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia và dự kiến với dân số khi đó ở mức 105 triệu người thì trung bình mỗi người dân Việt Nam sẽ uống 52 lít bia/năm. Mức tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam hiện xếp thứ hai các nước Đông - Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới.

Việc sử dụng rượu, bia ngày càng gia tăng đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người uống và có nguy cơ gây ra nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác. Các chuyên gia lĩnh vực y tế khẳng định, ảnh hưởng nguy hại đối với sức khỏe do sử dụng rượu, bia đều có và chỉ khác nhau về mức độ, phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người uống và cách thức uống; không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% đến 12% GDP của mỗi quốc gia. Còn theo khuyến cáo của Hiệp hội Phòng chống ung thư quốc tế, sử dụng rượu, bia dù ít vẫn có mối liên quan với nhiều loại bệnh ung thư: vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng… Chi phí trực tiếp cho điều trị sáu loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có năm bệnh liên quan đến sử dụng rượu, bia (gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú) lên tới hơn 25 nghìn tỷ đồng mỗi năm; khoảng 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần dành điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia... thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia cũng ước tính gần một tỷ USD.

Một số nghiên cứu cho thấy, cách thức sử dụng rượu, bia của số đông người Việt Nam hiện nay không tốt cho sức khỏe, nhiều người nhất là nam giới đang uống rượu, bia ở mức nguy hại đối với sức khỏe: Uống nhiều trong một lần uống và uống thường xuyên. Năm 2015, có tới 44,2% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại, tăng gần gấp hai lần sau 5 năm (năm 2010 là 25,1%). Hầu hết các hộ gia đình (88,5%) đều có người uống rượu bia trong 12 tháng qua; 80% có người uống rượu bia trong 30 ngày qua, trong đó có 46% số hộ gia đình có ít nhất một người uống ở mức nguy hại.

Để phòng ngừa tác hại rượu, bia hiệu quả cần xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách có liên quan. Trong các chính sách phòng ngừa tác hại của rượu, bia, WHO nhấn mạnh việc kiểm soát giá, thuế; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ; kiểm soát lái xe uống rượu, bia; cấp phép các điểm bán, thời gian bán rượu, bia. Trong đó kiểm soát giá được coi là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát, giảm tiêu thụ rượu, bia. Tăng giá bán 25% có thể giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu, bia trung bình. Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam cho rằng, để giảm tiêu thụ rượu, bia, các biện pháp về giá, thuế là biện pháp hiệu quả nhất. Hiện nay trên thế giới đã có 165 nước có chính sách điều chỉnh giá bán; hơn 90% số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ rượu, bia, trong đó nhiều nước thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Nhiều nước hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có cồn; 50% số quốc gia quy định điểm bán, giờ bán…

Sử dụng rượu, bia nhiều sẽ dẫn đến nhiều hệ quả như: tai nạn giao thông (50% số vụ tai nạn giao thông là do liên quan đến rượu, bia), bạo hành, bạo lực gia đình và xã hội. Mặt khác, rượu, bia là nguyên nhân gây đến đột quỵ, viêm tụy cấp, ung thư gan ảnh hưởng tinh thần, trí tuệ suy giảm. Do đó Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sớm được ra đời để bảo đảm cho vấn đề an sinh xã hội cũng như sức khỏe của người dân.

Theo MINH HOÀNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm