Cập nhật: 04/07/2018 09:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong bảy vùng trọng điểm của du lịch Việt Nam. Hai địa phương này đã và đang khắc phục những bất cập trong liên kết, thúc đẩy quan hệ hợp tác, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, góp phần khẳng định vai trò trong phát triển du lịch vùng ven biển Bắc Bộ.

Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Thế mạnh cần khai thác

Quảng Ninh và Hải Phòng là hai cực tăng trưởng trong tam giác kinh tế trọng điểm phía bắc (gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Đây là yếu tố thuận lợi để hai địa phương thúc đẩy hợp tác, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong đó có du lịch. Quảng Ninh có đường biên giới biển dài, đồng thời có điều kiện thu hút du khách qua cửa khẩu đường bộ và các du thuyền lớn đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách mạnh mẽ, hiệu quả trong phát triển du lịch, cùng với đó là hạ tầng và mạng lưới doanh nghiệp hoạt động trong ngành “công nghiệp không khói” chuyên nghiệp và nền nếp hơn...

Sáu tháng đầu năm 2018, Quảng Ninh đón khoảng 7,5 triệu lượt du khách (trong đó, khách quốc tế đạt 2,46 triệu lượt), tổng doanh thu du lịch gần 13 nghìn tỷ đồng. Với TP Hải Phòng, bên cạnh các khu du lịch truyền thống, với tài nguyên thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, văn hóa, như Đồ Sơn, Cát Bà..., thì sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông trong thời gian vừa qua đã giúp “Thành phố Hoa phượng đỏ” trở thành đầu mối đảm đương vai trò cửa ngõ trung chuyển du khách trong hoạt động du lịch của vùng duyên hải Bắc Bộ. Trong sáu tháng đầu năm, Hải Phòng đón và phục vụ khoảng 3,5 triệu lượt du khách, trong đó có 382 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 1.454 tỷ đồng.

Hiện tại, cả Quảng Ninh và TP Hải Phòng đang là một trong số những địa bàn trọng điểm thu hút lớn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng lưu trú và các điểm vui chơi nhằm “níu chân” du khách. Cả hai cùng nằm trên tuyến du lịch đường biển đi Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và đã có nhiều tàu du lịch thường xuyên cập cảng. Nếu làm tốt việc liên kết du lịch giữa hai địa phương, sẽ đưa du khách đi bằng tàu biển từ Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) khám phá tiếp TP Hải Phòng hoặc thăm quần đảo Cát Bà, góp phần đa dạng, phong phú thêm hành trình của du khách đường biển.

Liên kết để cùng phát triển du lịch là một giải pháp hữu hiệu góp phần bổ sung, đa dạng các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn của điểm đến, góp phần thúc đẩy tăng trưởng lượng du khách. Hải Phòng và Quảng Ninh đã có nhiều cuộc bàn thảo nhằm tăng cường kết nối phát triển du lịch trong khu vực. Vịnh Hạ Long hiện có năm tuyến tham quan du lịch, trong đó có tuyến số 5 kết nối Hạ Long và Cát Bà.

Từ năm 2013, TP Hạ Long và huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) đã có quy chế phối hợp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long cùng các vịnh khác, thuộc quần đảo Cát Bà. Quy chế được thực hiện trên cơ sở bảo đảm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hai bên; tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên; đoàn kết, bình đẳng, tương trợ; tuân thủ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ranh giới vùng biển, mặt nước. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác tuần tra, giám sát hoạt động du lịch và khách du lịch; ngăn chặn và phối hợp xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy chế, quy định của địa phương như: thiếu hoặc không có giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến hoạt động vận chuyển khách du lịch, hành trình sai luồng, tuyến; nghỉ đêm ngoài khu vực lưu trú theo quy định, vận chuyển, chuyển tải khách trái phép, trốn lậu vé tham quan...

Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đan xen trong cùng khu vực biển đảo, hiện hai địa phương đang trong quá trình vận động đệ trình UNESCO công nhận cả hai địa điểm là Di sản thiên nhiên thế giới. Bởi thế, sự nỗ lực trong liên kết hướng tới phát triển thịnh vượng chung, gắn với bảo tồn giá trị di sản thiên nhiên thế giới đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết…

Khắc phục bất cập, tạo kết nối vững chắc

Vụ việc phản ánh của bà Lynne Ryan, khách du lịch quốc tịch Ô-xtrây-li-a hồi đầu tháng 5 vừa qua về trải nghiệm tham quan ngủ đêm trên Vịnh Hạ Long với các dịch vụ dưới mức tiêu chuẩn cho phép, không đúng với chương trình du lịch được chào bán và cam kết… đã phần nào cho thấy những bất cập trong hoạt động liên kết phát triển du lịch của Hải Phòng và Quảng Ninh.

Với vị thế là địa bàn có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, ngoài việc phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, tỉnh Quảng Ninh xác định nhiệm vụ hàng đầu là phải bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản. Những năm qua, Quảng Ninh không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đón tiếp khách tham quan Vịnh Hạ Long. Hiện nay, TP Hạ Long đã xây dựng phương án giãn tuyến, điểm tham quan Vịnh Hạ Long, trong đó đầu tư bổ sung một số điểm đến để kết nối tạo thành một số tuyến tham quan mới; thí điểm hệ thống dán nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh” cho tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long với ba cấp độ và 29 tiêu chí...

Hiện tại, tất cả các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đều bắt buộc phải lắp đặt hệ thống cứu hỏa hiện đại, hệ thống ca-mê-ra, định vị để cơ quan chức năng giám sát. Với hệ thống định vị, cơ quan chức năng ngay lập tức có thể biết, tàu du lịch đó đang ở đâu, làm gì, thậm chí có thể truy lại hành trình trên vịnh cả nhiều ngày trước đó. Việc tăng cường các biện pháp quản lý, trang thiết bị an toàn hàng hải và phòng, chống cháy nổ được bảo đảm, hoạt động kinh doanh dịch vụ tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long đã đi vào nền nếp; chất lượng dịch vụ, ý thức, nhận thức nghề nghiệp của đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên ngày càng nâng cao… Các chế tài xử phạt nghiêm được áp dụng đã tạo tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm và các sự cố rủi ro liên quan đến tàu du lịch…

Có một thực tế là, sau khi tỉnh Quảng Ninh ban hành và thực hiện quy định về quản lý hoạt động tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long, một số tàu không đáp ứng tiêu chuẩn đã bị dừng hoạt động. Thế nhưng không ít trong số các tàu này vẫn đủ điều kiện để đăng kiểm tại TP Hải Phòng và hoạt động du lịch tại vùng biển Cát Bà. Tàu Hoàng Phương HP4686 mà nữ du khách Ô-xtrây-li-a phản ánh chất lượng kém là một thí dụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cho biết: Tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố, có biện pháp quản lý chặt chẽ đội tàu du lịch hoạt động ở khu vực Cát Bà, không cho phép các tàu không đủ tiêu chuẩn được đón khách, xuất bến, vận chuyển khách du lịch; phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Ninh để thống nhất tiêu chí, tiêu chuẩn và công tác quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cũng nhận thấy công tác quản lý, kiểm soát các phương tiện vận tải du lịch trên vùng biển Cát Bà của các cơ quan chức năng Hải Phòng thời gian qua còn lỏng lẻo, chưa có quy định cụ thể và rõ ràng. Bởi thế, TP Hải Phòng đã chỉ đạo siết chặt quản lý các phương tiện vận chuyển khách du lịch trên vùng biển; tạm thời bố trí sáu cụm điểm neo đậu cho các tàu du lịch lưu trú qua đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Đồng thời giao các ngành chức năng, huyện Cát Hải, quận Đồ Sơn thực hiện việc đào tạo, hướng dẫn, cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch, kiến thức sơ cấp cứu… cho đội ngũ vận hành, khai thác, nhân viên tham gia hoạt động dịch vụ du lịch trên tàu du lịch; hướng dẫn chủ phương tiện hoàn thiện các thủ tục về vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy trên tàu theo quy định. Các chủ tàu du lịch phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS, phải được cấp biển hiệu vận chuyển khách du lịch và giấy chứng nhận bảo đảm an ninh - trật tự đối với phương tiện lưu trú. Thành phố cũng kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động từ sau ngày 30-7 đối với các tàu không đủ điều kiện…

Chung tay tạo dựng vùng du lịch trọng điểm

Tại cuộc làm việc mới đây giữa huyện Cát Hải (Hải Phòng) và TP Hạ Long (Quảng Ninh), một lần nữa hai bên khẳng định quyết tâm khắc phục những bất cập trong hoạt động liên kết để tạo sự phát triển bền vững chung của cả khu vực. Trên thực tế, huyện Cát Hải đang thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, trong khi yêu cầu chung của cả tỉnh Quảng Ninh là tiêu chuẩn tàu du lịch cao hơn so với các quy định thông thường, dẫn đến các doanh nghiệp, các tàu du lịch của huyện Cát Hải chưa đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra của tỉnh Quảng Ninh. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Hồ Quang Huy khẳng định: Chất lượng tàu, dịch vụ, công tác quản lý giữa hai địa phương có sự khác biệt rất rõ. Nhưng để tàu du lịch Cát Bà (Hải Phòng) được đưa khách đến tham quan Vịnh Hạ Long, trước hết hai bên phải công bố tua, tuyến và thống nhất các nội dung liên quan để cùng khai thác hiệu quả…

Hiện, Vịnh Hạ Long có 505 tàu du lịch (trong đó có 189 tàu bảo đảm điều kiện lưu trú nghỉ đêm trên vịnh), với năm cụm điểm cho tàu tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh. Đối với Vịnh Lan Hạ (quần đảo Cát Bà), hiện có 101 tàu du lịch, trong đó có khoảng 49 tàu tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh. Đồng thời, nhiều dự án đóng mới tàu du lịch cao cấp hoạt động trên vùng biển Cát Bà đang được triển khai. Đây là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch. Nếu được thống nhất, đồng bộ về tiêu chuẩn, tua, tuyến và sự kết nối chặt chẽ thì hiệu quả của hoạt động du lịch biển giữa Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ tăng lên rất nhiều.

Những năm gần đây, giữa Hải Phòng và Quảng Ninh đang có sự kết nối mạnh mẽ về giao thông. Sau khi sân bay Cát Bi được nâng cấp đón khách quốc tế, Hải Phòng đã trở thành cửa ngõ đón và trung chuyển khách hàng không lớn thứ hai của miền bắc, sau Hà Nội. Đây là lợi thế để quảng bá thu hút khách đường không, nhất là thu hút các chuyến bay thuê bao cho các đoàn khách quốc tế đến sân bay Cát Bi tham quan du lịch Hải Phòng, tới Quảng Ninh và các điểm đến khác trong vùng ven biển Bắc Bộ.

Cùng với đó, khi tuyến đường sắt nối Côn Minh - Nam Ninh với một số tỉnh phía bắc nước ta được nâng cấp thì Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ là điểm đến chung của du khách trên tuyến hành lang hợp tác kinh tế nối các tỉnh phía bắc nước ta với các tỉnh tây nam và phía nam của Trung Quốc. Tuyến giao thông huyết mạch cầu Bạch Đằng, tuyến cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh; những vùng giáp ranh, như: Cát Bà - Hạ Long, khu vực sông Bạch Ðằng... đang góp phần hình thành những điểm đến cao cấp của du lịch Việt Nam trong tương lai gần. Đó là động lực tất yếu thúc đẩy liên kết vùng về du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh.

Để vùng du lịch trọng điểm Hải Phòng - Quảng Ninh thật sự cất cánh, rõ ràng đang rất cần sự triển khai đồng bộ giữa hai địa phương. Song song với việc hoạch định chính sách, quy chế phối hợp cùng phát triển du lịch vùng, điều quan trọng là hai địa phương cần nhanh chóng triển khai các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tua du lịch mới nhằm “níu chân” khách quốc tế.

Hải Phòng và Quảng Ninh cần phối hợp tạo điều kiện để các hãng lữ hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc để chào bán trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay; hợp tác với các tỉnh ven biển Bắc Bộ để xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, hình thành các tua có nhiều trải nghiệm thú vị, như: leo núi, đi xe đạp, dù lượn, khinh khí cầu, đi thuyền buồm, chèo thuyền kay-ắc, lặn biển, đi bộ dã ngoại trong Vườn quốc gia Cát Bà và ở các đảo của Vịnh Bái Tử Long...

Trên cơ sở thế mạnh địa phương, Hải Phòng và Quảng Ninh cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho cả hai và một số địa phương lân cận; có sự thống nhất trong quy định về quản lý phương tiện thủy nội địa phục vụ các hoạt động du lịch, thể thao, vui chơi giải trí trên biển. Sự hợp tác trao đổi giữa hai địa phương cần đặt ở mức cao hơn trong phối hợp phát triển gắn với bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, bảo đảm nguyên tắc phát triển bền vững, tránh tình trạng “cát cứ”, cạnh tranh không lành mạnh…

Bài và ảnh: QUANG THỌ, QUANG DŨNG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm