Cùng với trưng bày đặc biệt “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” vừa được Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Hàn Quốc phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức, hai đơn vị nói trên cũng đồng hợp tác xuất bản sách “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” nhằm giới thiệu đến công chúng Hàn Quốc vềdi sản văn hoá biển Việt Nam. Sách có kích thước: 24cm x 30cm; độ dày 306 trang.
Cuốn sách giúp công chúng tiếp cận với những hiện vật tiêu biểu, được lựa chọn kỹ lưỡng từ 5 con tàu cổ được phát hiện tại vùng biển Việt Nam. Đây là các loại gốm, sứ của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan xuất khẩu từ thế kỷ 15- 18 như: Tàu cổ Cù Lao Chàm (thế kỷ 15); Tàu cổ Hòn Dầm (thế kỷ 15); tàu cổ Bình Thuận (thế kỷ 16 - 17); Tàu cổ Hòn Cau (thế kỷ 17); Tàu cổ Cà Mau (thế kỷ 18). Những cổ vật này chính là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại vùng biển Việt Nam, chứng minh Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong giao thương quốc tế vào thời kỳ hoàng kim của “con đường tơ lụa trên biển”. Nội dung cuốn sách tập trung vào các chủ đề chính như: Phát kiến thời đại: Hàng hải Việt Nam vươn ra biển lớn; Con đường tơ lụa trên biển: Vận chuyển đồ gốm sứ hoa lam từ châu Á; Đồ gốm Việt Nam: Vượt châu Á ra thế giới; Trào lưu nghệ thuật phương Đông: Sự ưa chuộng đồ gốm sứ Trung Hoa ở châu Âu; Đồ gốm Thái Lan: Điểm gặp gỡ trên đường biển Việt Nam.
Với 309 cổ vật được lựa chọn giới thiệu, độc giả có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của “con đường tơ lụa trên biển Việt Nam”. Đây còn là cơ hội giới thiệu tới du khách sự huyền bí của cổ vật quý giá bị vùi sâu dưới đáy biển cả trăm năm, là cơ hội để các hoạt động giao lưu văn hóa, nghiên cứu di sản văn hóa biển giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng gắn bó và phát triển.
Theo NGÂN ANH/baovanhoa.com.vn