Quán bia hơi lâu năm ở ngã ba đường Nguyên Hồng và Huỳnh Thúc Kháng vốn lúc nào cũng ồn ào với những tiếng “Zô zô 100%” , trên bàn của thực khách hay bày ra món tủ “bê tùng xẻo” bỗng dưng một ngày đổi thành nhà hàng chay. Có lẽ chủ quán đã “ngộ” ra ăn chay đang trở thành một xu hướng lớn và nhà hàng chay đông khách còn hơn cả bán bia hơi. Thời gian gần đây, nhiều nhà hàng chay, thực phẩm chay mọc lên ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cho thấy ăn chay không vì tín ngưỡng đang trở thành lựa chọn của nhiều người để sống khỏe hơn, “xanh” hơn trước vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở nên báo động.
Chuyển mặn sang chay
Chị Ngô Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Marin chuyên trợ giúp các thông tin tìm mộ liệt sĩ - chuyển sang ăn chay trường cách đây vài năm và từ bỏ hẳn những món khoái khẩu như ốc luộc, nem tai mà không chút gì lưu luyến. Hằng chia sẻ: “Tôi bị một số bệnh như đau dạ dày, “lở mồm long móng”, táo bón, nhưng từ khi chuyển sang ăn chay thì tất cả những bệnh đó đều hết, cảm giác cơ thể được thanh lọc, nhẹ nhõm hẳn. Nấu ăn chay ở nhà cũng tiện, không mất nhiều thời gian như ăn mặn và cũng tiết kiệm chi phí hơn. Bạn bè tôi chuyển sang ăn thực vật nhiều lắm”.
Ăn chay thậm chí trở thành trào lưu của nhiều bạn trẻ tuổi teen - điều mà trước đây có thể bị cho là lập dị. Thanh Trúc - lớp 12 Trường PTTH Phan Đình Phùng - Hà Nội đã ăn chay từ một năm nay tâm sự: “Trước đây, tôi ăn mặn, cân nặng 65 kg, vẫn hay bị bạn bè chế giễu là “thùng phi di động”, nhưng sau khi chuyển sang ăn chay, tôi giảm chỉ còn 50kg, da mặt không còn mụn nhọt mà trắng sáng hơn. Từ trải nghiệm của bản thân, tôi thấy ăn chay thật sự tốt cho sức khỏe và cả tinh thần nữa. Khi còn ăn nhiều thịt, mình thường hay nổi nóng nhưng chuyển sang ăn thực vật thì trở nên điềm đạm, nhẹ nhàng hơn. Khi bắt đầu ăn thuần chay, tôi là người duy nhất trong lớp nên cũng thấy một chút tách biệt, nhưng giờ bảy, tám bạn cũng đã theo chế độ này”.
Các món chay tưởng như đơn điệu nhưng trở nên rất phong phú đa dạng và hấp dẫn qua bàn tay chế biến của các bạn trẻ và được đưa lên facebook. Bội Ngọc học sinh lớp 9 Trường THCS Thanh Xuân đi học về thường tự tay làm các món rau củ quả, sữa đậu nành, đậu phụ. Sau một thời gian, Ngọc đã tự đúc kết cho mình nhiều công thức nấu món chay và chia sẻ trên Facebook với bạn bè. Ở đó có một cộng đồng bạn trẻ ăn chay và thường xuyên trao đổi với nhau tạo nên một bầu không khí tích cực với nhiều năng lượng yêu thương. “Ăn chay đi, hay lắm đấy, mỗi khi ăn chay xong mình như được uống “thuốc vui vẻ” vì không có cảm giác tội lỗi sát sinh với chú cá, chú gà...”, Bội Ngọc viết trên faceebook kèm theo hình ảnh món nấm om tương vừa mới “sáng chế”.
Nhiều người nổi tiếng cũng đã chuyển sang ăn chay như một lựa chọn thuận tự nhiên. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho hay: “Có nhiều lý do khiến người ta ăn chay như vì tôn giáo, vì môi trường... nhưng tôi chú ý đến việc ăn chay theo khoa học. Tạo hóa đã xếp con người vào nhóm ăn thảo mộc vì răng hàm nhiều, không nanh vuốt, ruột rất dài và bệnh tật chẳng qua do chọn cách ăn chưa cân bằng, phù hợp. Tôi bắt đầu ăn chay, ăn liền một mạch suốt... bảy tháng và thấy mình khác hẳn. Cơ thể như được thanh lọc, nhẹ nhàng, ngũ quan tinh nhạy, sức làm việc tăng hơn. Hiện dù không ăn chay hoàn toàn, nhưng tôi rất hạn chế ăn thịt hay các loại động vật đến mức tối đa. Ít đi tiệc tùng, sự kiện... tôi ăn cơm nhà đủ 30 ngày/tháng nên việc ăn chay không bị ảnh hưởng nhiều. Hãn hữu nếu dự tiệc, tôi vẫn ưu tiên chọn các món rau, củ, quả...”.
Cách đây dăm năm, Công ty Nghiên cứu thị trường trực tuyến W&S đã thực hiện cuộc khảo sát về xu hướng ăn chay của người Việt Nam nhằm tìm hiểu về nét văn hóa ẩm thực đặc biệt này. Cuộc khảo sát được tiến hành với 659 người, gồm 355 nam và 304 nữ, từ 16 tuổi trở lên. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người thường xuyên ăn chay chiếm 14,7%, thỉnh thoảng có ăn chay chiếm 58,9% và rất hiếm khi ăn chay chiếm 26,4%. Có nhiều lý do ăn chay: giúp tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng (40,7%); giúp bổ sung, ngăn ngừa một số chất, tăng cường bảo vệ sức khỏe (33,1%); thực phẩm chay rất ngon (28,7%); muốn rèn luyện bản thân (23,5%)...
Ngoài ra, 46% số người tham gia trả lời khảo sát cho biết ăn chay là một việc có ý nghĩa với cuộc sống của họ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, số người có xu hướng tự nấu các món chay ở nhà chiếm đa số với 75,6%, tiếp đến là ăn ở nhà hàng chay với 21,5%.
Ăn chay gắn với lối sống xanh
Điều đáng chú ý là tỷ lệ người thường xuyên ăn chay không vì lý do tôn giáo đang tăng nhanh trong thời gian gần đây. Cùng với đó, các nhà hàng chay, các cửa hàng bán thực phẩm chay mọc lên ngày càng nhiều. Ngay khu vực phố Nguyên Hồng nơi quán bia hơi “bò tùng xẻo” đã chuyển sang nhà hàng chay, đã có tới năm nhà hàng chay, cửa hàng bán thực phẩm chay mà lượng khách đến không chỉ đông vào ngày mồng một và rằm. Ngôi biệt thự ở phố Hàng Bài được thiết kế tinh tế để mở nhà hàng chay Ưu Đàm - thực đơn ở đây phong phú đa dạng và giá cũng không hề rẻ so với nhà hàng thông thường. Trên địa bàn Hà Nội, thực khách đã liệt kê tới tốp 40 nhà hàng chay thuộc 10 quận, mỗi nhà hàng đều có những món “tủ” và phong cách riêng. Khác với trước đây, nếu ăn chay ở Hà Nội, người ta chỉ nghĩ đến vài cái tên như nhà hàng chay Nàng Tấm trên phố Trần Hưng Đạo, hay Bồ Đề Tâm ở phố Phạm Huy Thông.
Nhà hàng Việt Chay ở TP Hồ Chí Minh có lượng khách tăng 20-30% so với năm. Bà Thùy Hương - đại diện nhà hàng cho biết: “Khách đến đây đủ mọi lứa tuổi, thành phần từ giới công chức, văn phòng. Đa số họ chọn ăn chay để tránh thực phẩm bẩn và gắn với lối sống xanh” .
Nhà hàng Hum Vegetarian (Hum - chữ trích từ câu chú tiếng Phạn hàm ý thiện tâm nở trong lòng người) là thương hiệu về ẩm thực chay phát triển nhanh ở TP Hồ Chí Minh. Mỗi năm họ đón khoảng 150 nghìn khách, với mức chi trả trung bình 350 nghìn đồng/khách. Con số này nhiều hơn gần gấp hai lần so với mức dự kiến khoảng 250 nghìn đồng từ thời họ mới bắt đầu mở nhà hàng đầu tiên năm 2012. Bà Đặng Thị Xuân Hồng, chủ đầu tư của Hum Vegetarian cho biết: “Tôi muốn hướng tới ăn chay vì sức khỏe hơn là vì tôn giáo, vì Đức Phật cũng không bắt buộc phải ăn chay. Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là vì khách hàng. Đó cũng là phương châm trong đạo Phật, tức là mình hãy vì chúng sinh thì trong đấy sẽ có mình”. Hum Vegetarian đã được bảo hộ thương hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới như Thái-lan, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, Úc và đang nhắm tới mở nhà hàng ở thị trường Anh, Úc và Thái-lan.
Ăn chay không chỉ đơn thuần là thay đổi thực đơn mà gắn với xu hướng sống sạch, sống xanh đang trở thành một trào lưu trên thế giới. Từ vegetarian hay vegan trong tiếng Anh không hẳn là ăn chay mà còn bao hàm cả lối sống; sống sạch, sống xanh bằng cách không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ cơ thể động vật hay từ sự bóc lột động vật, mục đích nhấn mạnh vào sự quyết tâm trong phương thức tiêu thụ hợp lý và giàu tình thương nhất.
Ăn chay vì sức khỏe, vì cộng đồng hay “phong cách sống vegan” không chỉ tôn trọng động vật nói riêng mà mọi loài nói chung, đồng nghĩa với việc tôn trọng sự sống trên trái đất, là một lựa chọn có ích cho môi trường và sức khỏe, đồng thời giáo dục con trẻ phát triển tình thương, sự cảm thông kể cả với loài vật - nền tảng của giáo dục hướng con người đến với chân-thiện-mỹ.
Theo bác sĩ Hoàng Tuấn An, ăn chay đúng cách tốt cho sức khỏe không có nghĩa là ăn mặn có hại cho sức khỏe. Cuộc sống hiện đại, việc ăn chay hay ăn mặn cũng hết sức linh hoạt và có thể lúc chay lúc mặn, tránh tinh thần cực đoan khi lựa chọn thực phẩm. Thức ăn chay có một số ưu điểm hơn thức ăn có nguồn gốc động vật: ít chất béo có hại như cholesterol và các axit béo no. Nhiều a-xít béo chưa no, nhiều vitamin E,C, A, giúp cơ thể chống oxy hóa. Việc chuyển từ chế độ ăn bình thường sang ăn chay nói chung là được phép, hợp dinh dưỡng.
Theo Kỳ Phước/nhandan.com.vn