Cập nhật: 30/07/2018 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Số người mắc bệnh sởi đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương như: Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên, Thanh Hóa, Lào Cai... Mùa hè, thời tiết thuận lợi cho vi-rút gây bệnh sởi phát triển và nguy cơ bùng phát thành dịch là rất lớn. Để chủ động phòng, chống bệnh sởi có hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, người dân cần thực hiện nghiêm các nội dung khuyến cáo mà cơ quan chuyên môn đưa ra, nhất là việc tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch.

Hà Nội đang trở thành điểm nóng về dịch bệnh sởi hiện nay. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố có 240 trường hợp mắc sởi (tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2017); người bệnh phân bố tại 30 quận, huyện, 148 xã, phường. Đáng chú ý, đã xuất hiện bảy ổ dịch tại các quận, huyện: Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai…

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Qua phân tích dịch tễ người bệnh sởi cho thấy, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới năm tuổi, trong đó nhóm dưới một tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Hầu hết trường hợp mắc sởi là do không tiêm, hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi. Cụ thể, nhóm trẻ dưới chín tháng tuổi (chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc-xin phòng sởi) có 73 trường hợp (chiếm 30,4%); nhóm trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi có 38 trường hợp (chiếm 15,8%). Trong 38 trường hợp, bảy trường hợp được tiêm một mũi, 31 trường hợp chưa được tiêm vắc-xin sởi; nhóm trẻ từ 18 đến 23 tháng tuổi, có 10 trường hợp (chiếm 4,2%) chưa tiêm hai mũi vắc-xin sởi… Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn; cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm, hoặc tiêm không đúng lịch, cho nên chưa có đủ miễn dịch. Trong tháng 6 và đầu tháng 7-2018, tại Bệnh viện Tim Hà Nội có 11 trẻ em có biểu hiện sốt, phát ban nghi sởi. Kết quả điều tra cũng cho thấy: 9 trong số 11 trẻ là ở các địa phương: Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nghệ An... Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện nhẹ, tiến triển tốt, hết ban và đang được tiếp tục điều trị bệnh về tim mạch.

Theo Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn, từ đầu năm đến nay, cả nước có 1.025 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (521 trường hợp dương tính), một trường hợp chết. Số người mắc sởi chủ yếu là trẻ em tập trung tại các tỉnh, thành phố như: Sơn La, Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Nam Định, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bình Thuận... Số trẻ mắc rải rác và đều không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (83,8%). Đáng lo ngại, hiện nay đang là mùa hè rất thuận lợi cho các loại vi-rút, trong đó có vi-rút gây bệnh sởi phát triển. Thời gian tới, dự báo sẽ xuất hiện thêm các trường hợp mắc bệnh rải rác tại các địa phương do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, nhất là tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế hỗ trợ, giám sát các ca bệnh sởi và tiêm vắc-xin phòng bệnh tại những nơi có nguy cơ bùng phát dịch cao như: Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa... Yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - Rubella cho trẻ từ một đến bốn tuổi, tại 33 huyện có nguy cơ cao thuộc sáu tỉnh nêu trên, bảo đảm đạt tỷ lệ ít nhất 95% quy mô xã, phường; cung ứng đủ, kịp thời vắc-xin sởi - Rubella và vật tư tiêm chủng theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm triển khai tiêm chủng đúng tiến độ, an toàn, hiệu quả...

Các chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng cũng cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tổ chức tiêm chủng hằng tuần thay vì hằng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tiếp tục rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Các cơ sở điều trị thực hiện nghiêm việc phân loại người bệnh tại khu vực phòng khám và có biển chỉ dẫn tại cổng bệnh viện; bố trí khu điều trị cách ly theo quy định và tổ chức điều trị tốt cho người bệnh, bảo đảm chuyển tuyến an toàn, tránh lây nhiễm. Rà soát điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế để phục vụ tốt công tác điều trị bệnh sởi; tổ chức tập huấn các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành cho nhân viên y tế tham gia chẩn đoán và điều trị bệnh sởi, nhất là khu vực phòng khám, khu cấp cứu, điều trị người bệnh...

Người dân cần thực hiện tốt các nội dung khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra như: đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc-xin dự phòng, trong đó có vắc-xin sởi. Khi phát hiện các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc sởi; thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay bằng xà-phòng khi chăm sóc trẻ, bảo đảm các biện pháp về dinh dưỡng và dự phòng mà ngành y tế đưa ra... 

Theo THÚY HỒNG/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm