Cập nhật: 03/08/2018 14:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, báo cáo về tình hình tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhận trách nhiệm; đồng thời khẳng định, sẽ xử lý nghiêm các sai phạm nhưng không vì sai phạm này mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đổi mới căn bản hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là một trong chín nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 29 đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch hành động, trong đó xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là khâu đột phá góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Lựa chọn này xuất phát từ việc thực hiện đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá sẽ có tác động tích cực tới việc đổi mới phương pháp dạy và học. Bên cạnh đó, việc thi cử tại thời điểm đó còn rất nặng nề. Mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, nhiều đợt thi (trong gần 01 tháng thí sinh phải dự thi 01 kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và 03 đợt thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng).

Học sinh các tỉnh xa phải về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn để dự thi rất vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Ngoài ra, các tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô, Phú Xuyên khiến dư luận rất bức xúc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong quá trình đổi mới thi, đã có nhiều tranh luận, góp ý. Có ý kiến đề nghị nên bỏ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông mà chỉ tổ chức thi Đại học, Cao đẳng. Việc này không thực hiện được vì trái với Luật Giáo dục. Hơn nữa, nếu bỏ thi, học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, kết quả học tập của học sinh sẽ không được quốc tế công nhận.

Có ý kiến đề xuất vẫn tổ chức thi nhưng thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông giao cho các địa phương tổ chức; thi Đại học, Cao đẳng giao cho các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức. Phương án này cũng được cân nhắc nhiều vì nếu giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức, với bệnh thành tích, kết quả thi sẽ không công bằng khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó, địa phương này coi lỏng, địa phương khác coi chặt. Còn để các trường Đại học, Cao đẳng tự tổ chức thi, Bộ đã khuyến khích nhưng thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí, hơn nữa tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại.

Cuối cùng, phần lớn các ý kiến đã thống nhất tổ chức một kỳ thi quốc gia vừa đảm bảo mục đích xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa làm căn cứ để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng. Bộ đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý.

Phương án này đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đó, đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong các năm 2015, 2016, 2017, Kỳ thi được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm nên ngày càng hoàn thiện. Từ năm 2017, Kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, các trường Đại học, Cao đẳng phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển Đại học, Cao đẳng.

Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn); đảm bảo mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng. Kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính.

Phương án thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) khi đưa ra cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng cũng đã đi đến thống nhất thi trắc nghiệm là phù hợp vì đây là kỳ thi đánh giá trên diện rộng nên yêu cầu cao nhất là đảm bảo tính khách quan, trung thực, hạn chế học lệnh, học tủ, quay cóp, gian lận trong thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm.

Qua 4 năm thực hiện, nhất là 2 năm gần đây, Kỳ thi đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Đề cập đến vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.

“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 như sau: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi Trung học Phổ thông, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao. Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và xã hội.

Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Phần mềm chấm thi được hoàn thiện theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi.

Bộ cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi. Đáng chú ý, Bộ sẽ quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các Hội đồng thi.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay chúng ta đang tiến hành sửa hai luật (Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học), vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra, nhưng như đã phân tích ở trên, việc bỏ thi Trung học Phổ thông quốc gia ở thời điểm này là không nên.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ việc bỏ thi Trung học Phổ thông quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để kỳ thi này đảm bảo thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương,” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.

Cho ý kiến về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với cương vị là Tư lệnh ngành Giáo dục và Đào tạo đã thẳng thắn nhận khuyết điểm. Thủ tướng cho rằng báo cáo của Bộ trưởng là có hệ thống, đầy đủ, chi tiết và đảm bảo minh bạch, công khai.

Thủ tướng khẳng định, Thường trực Chính phủ và Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nào thay đổi lộ trình cải cách thi cử đã đặt ra, nhưng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu để tổ chức kỳ thi chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới./. 

Theo QUANG VŨ (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/khong-vi-sai-pham-ma-phu-nhan-toan-bo-ket-qua-cua-ky-thi-thpt/516751.vnp

Tệp đính kèm