Khi quy mô viện trợ thuốc kháng vi- rút (ARV) điều trị HIV từ các tổ chức quốc tế ngày càng giảm và sẽ kết thúc vào sau năm 2018, thì việc tiến tới bao phủ 100% thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV là rất cần thiết để bảo đảm người bệnh không bị gián đoạn trong điều trị. Nhưng để đạt mục tiêu tất cả người nhiễm HIV có thẻ BHYT cần sự nỗ lực ở mức cao của các bộ, ngành, địa phương trong việc gỡ bỏ các rào cản, khó khăn, tăng cơ hội tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV.
Tư vấn xét nghiệm HIV cho người dân ở Lai Châu. Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Chưa ổn định và bền vững
Thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỷ lệ bao phủ BHYT đối với người bệnh điều trị ARV tăng lên rõ rệt trong thời gian qua. Hiện cả nước đã có 83,4% số người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) có thẻ BHYT, trong đó có năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ 100% số người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT (Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cà Mau) và 30 tỉnh, thành phố có tỷ lệ này đạt hơn 90%. Các địa phương cũng chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV bằng những nguồn tài chính quan trọng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, độ bao phủ BHYT đối với người nhiễm HIV ở nước ta có tăng nhưng vẫn chưa ổn định và bền vững. Cả nước vẫn còn năm tỉnh đạt dưới 70% gồm: Ðồng Nai, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bến Tre. Một số tỉnh có độ bao phủ giảm đáng kể như Quảng Ninh, Ðồng Nai. Hiện nay, mới có 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT với 11.075 thẻ BHYT; 11 tỉnh có quyết định hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Hiện có 423 cơ sở điều trị, trong đó có 358 cơ sở điều trị ký được hợp đồng với cơ quan BHXH; 319 cơ sở điều trị đang thực hiện khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Còn 18 tỉnh, thành phố với 65 cơ sở điều trị chưa hoàn thành kiện toàn để có đủ điều kiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV.
Theo Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Ðình Cảnh, tỷ lệ bao phủ BHYT chưa ổn định là do một số nơi, thẻ BHYT của người bệnh hết hạn hoặc đang chờ cấp thẻ mới. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thách thức đối với công tác bao phủ thẻ BHYT bởi vì thực tế, có nhiều người bệnh không có giấy tờ tùy thân; người bệnh ngoại tỉnh, di chuyển liên tục không đủ thời gian để làm đăng ký tạm trú hay người nhiễm HIV cố tình giấu danh tính. Mặt khác vẫn còn khá nhiều người nhiễm HIV không mặn mà với BHYT là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tâm lý lo ngại thông tin cá nhân bị công khai.
Tăng cơ hội tiếp cận
Khi mức độ viện trợ thuốc ARV điều trị HIV từ các tổ chức quốc tế giảm dần và kết thúc vào cuối năm 2018, thì việc tiến tới bao phủ 100% thẻ BHYT cho người nhiễm HIV là câu chuyện cấp thiết để bảo đảm người bệnh không bị gián đoạn trong điều trị HIV. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tất cả người nhiễm HIV có thẻ BHYT, là hành trình gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Việc điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV là liên tục và suốt đời, với chi phí bình quân cho mỗi người bệnh là gần 20 triệu đồng/năm, trong khi đó, người nhiễm HIV chủ yếu là nhóm thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn. Do đó, nếu không tham gia BHYT thì người bệnh gần như không có khả năng chi trả, dẫn đến bỏ điều trị, kháng thuốc và thất bại về điều trị, người bệnh sẽ phải chuyển sang các phác đồ đắt tiền hơn, đồng thời làm gia tăng sự lây truyền HIV cho cộng đồng. Ðiều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời cho nên việc tham gia BHYT cũng cần phải liên tục, như vậy mới giúp họ có nguồn lực tài chính bền vững để duy trì điều trị.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để bảo đảm đạt mục tiêu bao phủ 100% thẻ BHYT với người nhiễm HIV, các cơ sở y tế cần hoàn thành việc kiện toàn đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh HIV qua BHYT; đưa danh mục thuốc ARV vào danh mục thuốc khám, chữa bệnh BHYT. Ðối với các tỉnh, thành phố hiện đang nhận nguồn thuốc viện trợ cần sớm thông báo cho người bệnh về thời điểm dừng nhận thuốc viện trợ; tư vấn, hỗ trợ người bệnh tham gia BHYT và sử dụng thẻ BHYT. Các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, tư vấn người nhiễm HIV tự tham gia BHYT; tạo điều kiện để người nhiễm HIV không phải mua thẻ BHYT cùng thời điểm với tất cả thành viên hộ gia đình. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát người nhiễm HIV cần hỗ trợ mua thẻ BHYT và bảo đảm ngân sách địa phương hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, đặc biệt với những người gặp khó khăn. Với người nhiễm HIV không muốn sử dụng BHYT phải có cơ chế chính sách hỗ trợ để họ có thể tiếp cận dịch vụ điều trị thuốc kháng HIV.
Các chuyên gia quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS đều cho rằng, BHYT là trụ cột của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém gấp nhiều lần. Ðể đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, Bộ Y tế cần nghiên cứu, sửa đổi, tháo gỡ những rào cản, khó khăn, cho phép người nhiễm HIV có nhiều cơ hội tiếp cận với BHYT hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc chi trả chi phí thuốc điều trị đối với người bệnh HIV qua BHYT là bắt buộc, được thể chế bằng quy định của pháp luật. Do vậy, các địa phương cần sớm triển khai thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua BHYT theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước cần tập trung xây dựng ngay kế hoạch điều trị bệnh nhân HIV từ các nguồn viện trợ sang điều trị BHYT. Liên quan việc tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng: Ðối với người bệnh HIV khi tham gia BHYT sẽ được bảo đảm về thông tin cá nhân, do đó người bệnh sẽ không phải ngại ngùng khi tham gia.
Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương sử dụng nguồn BHYT cho điều trị HIV với lộ trình rõ ràng và những bước đi chắc chắn. Với mục tiêu đề ra là đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT; 80% số thuốc ARV được Quỹ BHYT thanh toán thì việc trước mắt là Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần sớm hoàn tất việc rà soát nhu cầu mua BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn và trên cơ sở đó, dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế còn lại để hỗ trợ trong thời gian đầu.
Theo Thanh Huyền/nhandan.com.vn