Ðể phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh rằng, nhất thiết phải thay đổi tư duy về cách làm du lịch, từ việc quản lý, ứng xử với tài nguyên, tổ chức kinh doanh cho đến phục vụ và giao tiếp với khách du lịch. Và thực tế đang cho thấy sự thay đổi tích cực.
Khách du lịch nước ngoài sử dụng dịch vụ thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: CHÍ HIẾU
Những chỉ dấu tích cực
Tháng 7 vừa qua, Tổng cục Du lịch đưa vào vận hành chính thức website xúc tiến du lịch quốc tế mới (tại địa chỉ: www.vietnam.travel), cùng giao diện hiện đại, tương thích với các website quảng bá du lịch quốc tế. Nằm trong chiến lược tiếp thị kỹ thuật số, giới thiệu Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, website cung cấp thông tin thực tiễn về điểm đến, quy trình xin cấp thị thực, các lễ hội, sự kiện lớn tại Việt Nam giúp khách quốc tế lên kế hoạch du lịch. Ðáng chú ý là, những video 360 độ trên website này được thực hiện tại các danh thắng di sản UNESCO, thông tin giới thiệu hơn 18 điểm đến du lịch nổi bật trải dài cả nước. Với kỳ vọng mang tới thông tin toàn diện và truyền cảm hứng cho khách du lịch quốc tế, website có kết nối dẫn đến các mạng xã hội Facebook, Youtube, Instagram với địa chỉ và kênh chính thức của du lịch Việt Nam, để du khách quốc tế chủ động tương tác và chia sẻ trải nghiệm. Cũng lần đầu tiên website cung cấp "Cẩm nang du lịch", tải xuống miễn phí cho khách quốc tế.
Trước đó, tháng 5-2018, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ra mắt trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ (tại địa chỉ: www.hoankiem360.vn), giúp du khách tìm hiểu và tham quan về du lịch quận Hoàn Kiếm một cách dễ dàng, thông qua truy cập in-tơ-nét. Thông tin trên trang điện tử gồm các địa điểm du lịch, dịch vụ, thương mại ở quận Hoàn Kiếm, hiển thị dưới dạng bản đồ Google map hoặc danh sách, trải nghiệm và khám phá các địa điểm bằng công nghệ ảnh 360 độ, đặt phòng khách sạn, đặt tua du lịch, các dịch vụ đặt chỗ và thương mại điện tử... Ðiều đáng nói là, hệ thống cơ sở dữ liệu này đã được tích hợp trên các ứng dụng của điện thoại di động thông minh. Từ đầu năm 2018, việc cung cấp dịch vụ thuyết minh tự động bằng nhiều thứ tiếng thông dụng phục vụ du khách tại các di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), hay Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm (Ðà Nẵng) cũng được thực hiện… Với thiết bị cầm tay, du khách lựa chọn ngôn ngữ thể hiện, lập tức được nghe hướng dẫn để dễ dàng thăm mọi ngõ ngách của di tích.
Các hoạt động nêu trên đánh dấu những bước chuyển biến lớn: sự tham gia ngày càng sâu hơn của công nghệ vào phục vụ khách du lịch. Nhìn rộng ra, đây chính là nền tảng của việc phát triển du lịch thông minh, dù còn mới mẻ, nhưng bước đầu hứa hẹn những bước phát triển trong tương lai. Ðây cũng là dấu hiệu tích cực trong thay đổi tư duy của ngành du lịch.
Ðón bắt thời cơ, vượt qua thách thức
Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại những thay đổi vượt bậc trong du lịch, và đó cũng là sức ép để những người làm du lịch phải đổi mới tư duy, trước hết là cách tiếp cận khách hàng. Trí tuệ nhân tạo, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường, cho phép khách hàng khám phá điểm đến trong môi trường 3D trước khi quyết định lựa chọn mua tua và điện thoại thông minh giúp du khách khám phá sản phẩm, dịch vụ bằng công nghệ thực tế ảo… Khách du lịch có thể ngồi nhà đặt, so sánh, tìm kiếm dịch vụ, khách sạn tốt nhất, phù hợp nhất... Ngược lại, giá trị gia tăng của lĩnh vực du lịch cũng tăng lên nhiều. Vì thế, ngành du lịch đứng trước cơ hội lớn, nhưng thách thức đặt ra là không nhỏ. Trong xu thế phát triển du lịch trực tuyến, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một… "mỏ vàng". Với hơn 50 triệu người sử dụng in-tơ-nét (chiếm 53% dân số) và tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên tới 50%/năm, theo dự báo, quy mô du lịch trực tuyến tại Việt Nam vào năm 2025 sẽ ở mức chín tỷ USD.
Nhưng tiềm năng ấy chỉ khai thác được hiệu quả nếu biết nắm bắt cơ hội bằng việc thay đổi tư duy. Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), chúng ta hiện có 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch (như: Ivivu.com, Mytour.vn, Chudu24.com, Gotadi.com, Tripi.vn…), nhưng các sàn này mới chỉ thực hiện được khoảng 20% nhu cầu giao dịch; những dịch vụ còn lại thuộc về các sàn giao dịch nước ngoài. Ngay cả khách trong nước cũng sử dụng dịch vụ của sàn du lịch trực tuyến nước ngoài, riêng hai trang web đặt chỗ trực tuyến của nước ngoài là Agoda.com và Booking.com đã chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam.
Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, trong xu thế mới, một số sản phẩm cụ thể cần được chú trọng đầu tư, như: hệ thống quản lý điểm đến hỗ trợ hoạt động lữ hành, lưu trú; thẻ du lịch đa năng; phần mềm thuyết minh du lịch tự động... Báo cáo mới đây của Viện cho thấy, một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã ứng dụng giải pháp công nghệ mới, công nghệ di động trong tích hợp đặt phòng khách sạn, vé tàu xe, tự động gợi ý gói du lịch thông minh, cung cấp thông tin du lịch cho khách hàng (như các công ty Tripi, Gotadi, Mytour, Saigon Tourist, TransViet, Hanoi Redtours…). Việc xây dựng sản phẩm du lịch sử dụng công nghệ, mang lại những lựa chọn thông minh cho khách hàng. Khách hàng sử dụng phần mềm cài đặt trên điện thoại di động, dễ dàng thao tác nhanh trong tra cứu, đặt tua, tương tác, thanh toán online bảo đảm bảo mật… Một số trang web, doanh nghiệp du lịch còn cho phép người dùng có thể tạo tài khoản bằng cách liên kết với mạng xã hội như Facebook hay Google, đồng thời cũng kết nối với Agoda.com và Booking.com nhằm gia tăng tiện ích tìm phòng khách sạn. Cá biệt, có công ty đã cho phép ứng dụng công nghệ thanh toán bằng mã QR trên điện thoại thông minh... Muốn du lịch trực tuyến, thanh toán trực tuyến trở thành sản phẩm phổ thông, thì các doanh nghiệp du lịch phải xây dựng, vận hành những website có các tiện ích tương tác đúng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng, tích hợp những phương thức thanh toán trực tuyến, ứng dụng trên điện thoại di động thông minh, bảo đảm tính an toàn của hệ thống. Thế nhưng, câu chuyện này vẫn là thách thức.
Việc phát triển du lịch trực tuyến ở Việt Nam, tạo tiền đề cho du lịch thông minh, đang cần có sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, nhất là sự năng động của doanh nghiệp du lịch… Rất thuận lợi là Luật Du lịch 2017 có quy định liên quan đến giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, ngành du lịch cũng xác định ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là xu hướng phát triển tất yếu mà còn là bước đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành du lịch.
Theo Quang Ðông/nhandan.com.vn