Cập nhật: 10/08/2018 12:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kiểm soát chặt nguồn gốc và chất lượng thực phẩm là một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm không xảy ra những vụ ngộ độc thức ăn tập thể.

Chỉ trong tháng 7-8 vừa qua, Hà Nội xảy ra liên tiếp hai vụ ngộ độc thức ăn tập thể, trong đó nổi cộm là vụ 29 người tại Công ty cổ phần nhân lực quốc tế và thương mại sông Hồng đào tạo bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tối ngày 6-7. Tuy không nguy hiểm về tính mạng, nhưng việc ngộ độc tập thể trên tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo cho thấy, cần phải siết chặt hơn nữa công tác an toàn bếp ăn tập thể.

Nhiều lỗ hổng trong quản lý bếp ăn tập thể

Trên địa bàn Hà Nội có 65.955 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 4.256 bếp ăn tập thể (trong đó có 457 bếp ăn tập thể khu công nghiệp). Thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể mà nguyên nhân chủ yếu do các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do chưa thực hiện các quy định điều kiện bảo đảm về an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã đi kiểm tra 96 bếp ăn tập thể khu công nghiệp, thấy tình hình được cải thiện hơn những năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn 9 cơ sở vi phạm và Chi cục đã xử phạt 49,5 triệu đồng. Bên cạnh đoàn thanh tra của Chi cục, thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã kiểm tra 37 bếp ăn tập thể và cũng phạt 5 cơ sở với số tiền 36 triệu đồng.

Bà Hoàng Thị Minh Thu chỉ ra, qua kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện một số lỗi hay gặp như: thiết kế và tổ chức bếp không theo nguyên tắc một chiều, hệ thống cống thoát nước không bảo đảm; kho và thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng; dụng cụ sống/chín không để riêng biệt; người chế biến không khám sức khỏe hoặc xác nhận kiến thức vệ sinh thực phẩm…

“Nguyên nhân do chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể. Có doanh nghiệp đã giao cho bộ phận nhân sự quản lý, nhưng bộ phận này lại ít khi kiểm tra hoặc nếu có cũng chỉ là hình thức. Một số doanh nghiệp liên kết nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống nấu tại chỗ, nhưng lại chưa chủ động cùng nhà thầu khắc phục ngay các điều kiện về cơ sở vật chất không bảo đảm tại bếp của đơn vị mình”, bà Thu cho hay.

Chia sẻ về điều này, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP tập đoàn thực phẩm an toàn Nam Hà Nội cũng cho hay “có tình trạng các doanh nghiệp nhỏ lẻ liên kết với doanh nghiệp lớn về sản xuất thực phẩm sạch để “làm đẹp” hồ sơ nhưng sau đó lại nhập thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài để cung cấp cho các bếp ăn tập thể”.

Qua khảo sát các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại các khu công nghiệp, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhận định, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm là sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến phục vụ công nhân.

Tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm

Để giải quyết “bài toán” thực phẩm cho hơn 10 triệu dân, Hà Nội vẫn tự sản xuất nông nghiệp, cung cấp khoảng 60% sản phẩm, còn lại 40% nhập từ ngoại tỉnh.

Để thực phẩm bẩn không có “cửa” vào các bếp ăn tập thể, theo ông Võ Việt Dũng, các cơ quan chức năng cần kiểm tra thực chất, truy xuất đến cùng nguồn gốc thực phẩm để tránh tình trạng các nhà cung cấp thực phẩm “treo đầu dê, bán thịt chó”. "Tôi mong muốn cơ quan quản lý kết nối để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn gặp được những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn", ông Dũng nói.

Ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nội cho hay, hiện nay đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, TP Hà Nội đã xây dựng các chương trình, đề án để sản xuất vùng tập trung. “Đối với các vùng này, chúng ta đang kiểm soát rất tốt, có các lực lượng của nông nghiệp trên địa bàn các xã giám sát, quản lý sản xuất trước khi ra thị trường. Đối với 40% phần nhập khẩu từ ngoại tỉnh, TP Hà Nội đã ký kết với 21 tỉnh, thành phố phía bắc cung cấp thực phẩm về Hà Nội. Hà Nội đã cùng với Bộ NN&PTNT có chương trình để cung cấp thực phẩm cho thủ đô”, ông Loát cho hay.

Hiện nay, Hà Nội cũng thực hiện việc lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại nơi tiêu thụ để kiểm tra các chất còn tồn dư, các chất độc hại hay chất vi sinh vật có bảo đảm theo quy định hay không. Sản phẩm đầu vào được gắn mã QR code, để thực hiện việc theo dõi nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, các công ty, tập thể có thể lựa chọn những đơn vị có uy tín để cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của mình.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội được ngành y tế Hà Nội rất quan tâm. Về nguồn gốc thực phẩm, lãnh đạo TP đã chỉ đạo trực tiếp các sở ngành rất sát sao về vấn đề này để tăng cường bảo đảm truy suất nguồn gốc tại các cơ sở trồng trọt, chế biến. Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Y tế sẽ tăng cường xử phạt vi phạm tại các bếp ăn tập thể nhằm tăng sức răn đe và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành của người chế biến, người sử dụng trong phòng, chống các nguy cơ về lây nhiễm và ngộ độc thực phẩm. 

Theo THIÊN LAM /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm