Có nhiều ý kiến đề xuất chính sách cho giáo viên mầm non chưa được hưởng chế độ gì căn cứ vào thời gian công tác để trả lương hưu, hỗ trợ 1 lần...
Bộ GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non (GVMN) nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ. Đề xuất này được đưa ra khi hiện nay có 122.440 GVMN ở 31 tỉnh,thành phố nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ. Hầu hết họ đều có quá trình công tác, làm việc tương đối lâu dài trong những năm gian khó của đất nước; tâm huyết với nghề, chịu đựng khó khăn, vất vả để thực hiện nhiệm vụ.
Nhiều giáo viên làm việc lâu năm chưa được hưởng chế độ gì
Nhiều giáo viên vào ngành những năm 1970, sau 20-30 năm công tác không được hưởng bất cứ chế độ, chính sách nào. Đa số GVMN thời kỳ này, do yêu cầu cấp thiết của nhân dân, được dân phát hiện, tiến cử làm GVMN, không được đào tạo bài bản, không được biên chế, dạy ở các nhà kho hoặc nhờ nhà dân, được trả công bằng thóc (những năm 1980 được trả khoảng 10 kg thóc/tháng, những năm 1990 được trả khoảng 20 kg thóc/tháng) hoặc thù lao do cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp (những năm 1990 được trả thù lao khoảng 40.000- 50.000 đồng/tháng), trong đó các cô giáo phải tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.
Nhiều giáo viên mầm non làm việc lâu năm chưa được hưởng chế độ gì (ảnh minh họa)
Tại Hội thảo đề xuất xuất chính sách cho GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ diễn ra sáng 14/8, bà Nguyễn Thị Toan, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã nêu ra những trường hợp GVMN cống hiến, tâm huyết với nghề nhưng lại không được hưởng chế độ gì. Đó là GVMN nghỉ không lương, không trợ cấp có cuộc sống rất khó khăn, phần lớn làm nông nghiệp, trồng rau, chăn nuôi, thu nhập thấp, người có sức khỏe theo chồng con đi phụ hồ, còn nhiều người sống độc thân, một số người là hộ nghèo.
Ví dụ như bà Nguyễn Thị Đoàn, 73 tuổi, ở xã Dân chủ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là hiệu trưởng mầm non trước năm 1975. Bà là Nhà giáo ưu tú nhưng có hoàn cảnh không chồng, không con, ở với em gái cũng không chồng không con, sức khỏe rất yếu. Điều đặc biệt là bà Nguyễn Thi Đoàn không có chế độ lương, trợ cấp. Hiện tại, bà được chính quyền địa phương, các đoàn thể giúp đỡ xây cho một ngôi nhà tình nghĩa 3 gian cấp 4 để hai chị em sinh sống.
Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Ban, 69 tuổi, ở phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, dạy mẫu giáo năm 1972. Khi mà dân quân xã bắn rơi máy bay, bà đã quan sát và một mình cõng bế các cháu ra nơi an toàn. Đúng lúc chuyển hết trẻ đi thì chiếc máy bay rơi đúng khu lớp mẫu giáo. Tuy nhiên, trong thời gian dạy mẫu giáo, bà cũng không được hưởng chế độ gì.
Để đảm bảo quyền lợi cho những GVMN nghỉ công tác chưa được hưởng chế độ, bà Nguyễn Thị Toan đề nghị với Đảng và Chính phủ, các Bộ ngành có thể trích một phần ngân sách để hỗ trợ chị em bớt đi khó khăn của cuộc sống, bù đắp những hy sinh cho những ngày mà họ đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Mầm non
Bà Nguyễn Thị Toan đề nghị với Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cấp học Mầm non ở các địa phương rà soát các đối tượng trong địa phương mình, kết hợp với hội cựu giáo chức lập danh sách cụ thể để tránh các trường hợp để sót người, sót quyền lợi. Khi tập hợp mà các công văn hướng dẫn cụ thể khi xét duyệt sao cho hợp tình, hợp lý, bởi vì chỉ một số ít chị em có bằng chuyên môn, còn một số không có chuyên môn, giải quyết sao cho thấu tình đạt lý.
Đề xuất chế độ lương hưu với người công tác từ 20 năm trở lên
NGND.TS Lê Văn Phớt, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức tỉnh Nghệ An đưa ra đề xuất cho những giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó quản lý nhà trẻ, trường mẫu giáo có thờ gian công tác từ 20 năm trở lên được trả chế độ lương hưu.
Nhiều ý kiến đề xuất chính sách cho giáo viên mầm non chưa được hưởng chế độ gì căn cứ vào thời gian công tác để trả lương hưu, hỗ trợ 1 lần (ảnh minh họa)
Bởi đây là những người đã dành cả tuổi thanh xuân, tuổi lao động để cống hiến cho ngành Giáo dục. Khi làm việc hưởng chế độ thấp (10 đến13 kg gạo/tháng), phần lớn thời gian công tác không có bảo hiểm xã hội và y tế, riêng Nghệ An từ năm 1995 đến khi họ nghỉ việc có được tự đóng bảo hiểm.
UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 38/2001/QĐ-UB ngày 29/5/2001 hỗ trợ giáo viên mầm non khi nghỉ việc nên một số giáo viên được hỗ trợ một lần (khoảng 1 đến 5 triệu đồng). Ở Nghệ An theo số liệu thống kê tạm thời đối tượng này khoảng 1.500 người.
NGND.TS Lê Văn Phớt đề xuất với đối tượng này thì nên trả chế độ lương hưu hàng tháng từ nay đến khi họ chết với mức 20 năm công tác hàng tháng có lương hưu tối thiểu bằng 50% suất lương cơ bản hiện thời. Người có thời gian công tác lâu hơn cứ thêm 1 năm công tác được thêm 10% suất lương cơ bản hàng tháng.
Dưới 20 năm được hưởng chế độ hỗ trợ 1 lần
Ngoài những GVMN công tác từ 20 năm trở lên thì còn có những người với thời gian công tác trên 5 năm đến dưới 20 năm, NGND.TS Lê Văn Phớt đề xuất cho họ được trả chế độ hỗ trợ một lần.
Không xét lý do nghỉ việc, họ công tác một khoảng thời gian trong ngành học mầm non, nghỉ việc, có thể sau đó tham gia các ngành, nghề khác. Ở Nghệ An đối tượng này khoảng 15.000 người.
Đề xuất trả chế độ hỗ trợ một lần với mức từ 15 năm đến dưới 20 năm công tác được hỗ trợ một lần cho mỗi năm công tác là 2,5 triệu đồng. Từ 10 năm đến dưới 15 năm công tác được hỗ trợ một lần cho mỗi năm công tác là 2 triệu đồng. Từ 5 năm năm đến dưới 10 năm công tác được hỗ trợ một lần cho mỗi năm công tác là 1,5 triệu đồng.
Theo Bích Lan/VOV.VN