Cập nhật: 21/08/2018 14:34:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Báo cáo giám sát các nhà máy điện than toàn cầu, mặc dù không có nhà máy nhiệt điện than nào được xây dựng trong năm 2017, nhưng một số lượng lớn dự án đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển và Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than.

(Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo tại Hội thảo “Ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo và sức khỏe cộng đồng” tổ chức ngày 20-8 tại Hà Nội, tính đến nay, nhiệt điện than vẫn là nguồn cung cấp điện chính tại nước ta. Thế nhưng, hậu quả nghiêm trọng của nó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận và chỉ rõ, năng lượng tái tạo chính là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và các hệ lụy kéo theo sau đó.

Theo ThS, BS Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, vấn đề ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện than và việc sử dụng than tổ ong, than đá… tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, làng nghề thủ công hay các hộ gia đình hơn bao giờ hết đang trở thành vấn đề nóng, không chỉ gây ô nhiễm không khí, mà điều đó còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các bụi độc phát thải ra từ quá trình đốt than độc hại tới mức có thể thấm qua mao mạch phổi, gậy bệnh nguy hiểm như: Đột quỵ, tim mạch, cao huyết áp, vấn đề tâm thần, ung thư…

Theo Báo cáo năm 2013 của Liên minh Sức khỏe và Môi trường thực hiện tại châu Âu phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than trên toàn châu Âu là tác nhân lớn gia tăng gánh nặng bệnh tật. Cụ thể, đã có hơn 18 nghìn ca tử vong sớm, khoảng 8.500 ca bệnh viêm phế quản mãn tính, hơn bốn triệu ngày làm việc bị mất và các chi phí y tế cho bệnh do phát thải của việc đốt than gây ra là khoảng 42,8 tỷ euro/năm.

Với số liệu nêu trên, các chuyên gia đã vạch rõ bên cạnh lợi ích kinh tế, năng lượng tái tạo cũng là nguồn năng lượng nội địa có thể giúp Việt Nam chủ động hơn về nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào giá dầu, than, khí gas trên thị trường quốc tế. Năng lượng tái tạo cũng giúp giảm chỉ tiêu cho nhập khẩu về dài hạn, tăng thêm lợi thế cho nền kinh tế cũng như giảm phát thải cho nước ta.

Khai thác năng lượng tái tạo đang là xu hướng chung trên thế giới để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch vốn đang dần cạn kiệt, hơn nữa làm hạn chế sự biến đổi đến mức cực đoan của khí hậu.

Đại diện Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) khẳng định, năng lượng tái tạo mang lại lợi ích nhiều mặt cho Việt Nam và hiện đã khả thi về kinh tế, tài chính, kỹ thuật. Năng lượng tái tạo đã giúp đẩy mạnh kinh tế các vùng nông thôn và khu vực kém phát triển ở nhiều quốc gia từ Đức đến Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh. Năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn ở Việt Nam, góp phần tăng thu nhập cho người dân và hiện đại hóa phương pháp sản xuất nông nghiệp.

Theo PHÙNG TRANG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm