Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2018 đã vui mừng cho biết, khả năng cả 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 238 tỷ USD.
Tháng 8 tốt hơn tháng 7
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7. Điều này thể hiện qua nhiều con số như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát: CPI tháng 8/2018 tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.
Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%). Các lĩnh vực như sản xuất phân phối điện, sản xuất xe hơi, dược, dệt may… đều tăng trưởng tốt.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại 8 tháng duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8%.
Giải ngân vốn đầu tư phát triển được cải thiện rõ nét, 8 tháng ước bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ 2017 đạt 38,4% dự toán).
Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới. Tính đến 20/8, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD, số vốn FDI giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.
“Tình hình sản xuất - kinh doanh vẫn tiếp nối xu thế tăng trưởng tích cực từ đầu năm trong cả 3 khu vực, cho thấy động lực tăng trưởng xuất phát từ năng lực tăng thêm của các ngành sản xuất đang có xu hướng tăng trưởng tốt”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Động lực tăng trưởng đến cả từ phía cung và phía cầu
Trên cơ sở kết quả thực hiện 8 tháng đầu năm, đánh giá bước đầu về tình hình cả năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tài chính và các chính sách vĩ mô đã giúp giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, nhờ những nỗ lực cải cách thể chế của Chính phủ, việc cải thiện môi trường kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ rệt, tăng trưởng GDP vẫn duy trì được đà tăng khá qua các quý mặc dù năm 2017 đã tăng ấn tượng. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và cải thiện tích cực so với năm 2017. Cơ cấu kinh tế đã có một số chuyển biến rõ nét…
Từ báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng cho biết, khả năng cả 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.
Đáng chú ý nhất, đó là tăng trưởng GDP có thể đạt trên 6,7% - tức là đạt ở mức cao chỉ tiêu Quốc hội giao (tăng trưởng 6,5 - 6,7%), đồng thời gắn liền với cải thiện cơ cấu trong các khu vực sản xuất trọng yếu và nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, tìm dư địa, động lực mới để phát triển.
“Nhờ có kết quả từ những nỗ lực cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh... của Chính phủ, tăng trưởng GDP vẫn duy trì được đà tăng khá qua các quý, mặc dù năm 2017 đã đạt mức tăng ấn tượng. Động lực tăng trưởng của năm 2018 đến cả từ phía cung và phía cầu, nhất là năng lực tăng thêm của các ngành, lĩnh vực ngày càng được mở rộng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều khả năng cả năm, tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản sẽ vào khoảng 3,3%; của khu vực công nghiệp và xây dựng ước khoảng 7,59%; còn của khu vực dịch vụ là 7,35%.
“Riêng khu vực công nghiệp dự báo tăng trưởng khoảng 7,24%, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt của lĩnh vực công nghiệp đối với nền kinh tế, góp phần thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp của Việt Nam so với các nước trong nhóm ASEAN-4”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Những điểm đáng mừng khác trong bức tranh kinh tế 2018 là thu ngân sách có khả năng vượt dự toán 3-5%, lạm phát dưới 4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,35 với năm 2017, bằng 34% GDP, đạt ở mức cao mục tiêu Quốc hội giao.
Giải ngân vốn FDI dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD. Xuất khẩu cả năm ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (7-8%) và ước xuất siêu 1 tỷ USD. Cán cân tổng thể thặng dự cả năm ước đạt 11 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Cả năm dự kiến sẽ có 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
Triển vọng sáng sủa nhưng cần nỗ lực lớn
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các chỉ tiêu, định hướng năm 2019, giai đoạn 2019 – 2021, “tăng trưởng ở mức nào?” và cho rằng, trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, quy mô nền kinh tế trong nước đã lớn hơn, nên việc tăng thêm 1% GDP rất khó khăn, điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp, các ngành để đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã bắt đầu phác họa kế hoạch năm 2019. Theo đó, dự kiến tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ vào khoảng 6,6-6,8%.
Các thành viên Chính phủ cũng đã cho ý kiến đánh giá bước đầu về việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, kinh tế trong nước giai đoạn 2016-2018 đã được cải thiện, đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng xuất khẩu và FDI đạt mức kỷ lục. Kinh tế vĩ mô ổn định tiếp tục tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, dự kiến tăng trưởng GDP bình quân có thể đạt 6,71% (mục tiêu từ 6,5-7%).
Thực tế, không chỉ Chính phủ Việt Nam lạc quan khi nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô. Chỉ ít ngày trước đây, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý III và năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu, từ tiến trình xúc tiến đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhìn xa hơn, Moody’s dự báo Việt Nam nhiều khả năng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6,4% trong giai đoạn 2018 - 2022, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình 3,5% của một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba3 (như Việt Nam hiện nay). Mức tăng trưởng này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ sức cạnh tranh gia tăng, các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh của Việt Nam.
Nền kinh tế 2019 và các năm tiếp theo đang có triển vọng sáng sủa, nhưng trước hết phụ thuộc vào kết quả của năm 2018. Trong thời gian tới, các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Chính phủ, không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh.
Theo Hà Chính/Chinhphu.vn