Ngày 27/8, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (27/8/2008-27/8/2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.
Dọn dẹp rác thải tại bãi biển khu vực bến Do, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). (Ảnh minh họa: Nguyễn Hoàng/TTXVN)
Tham dự có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam qua các thời kỳ, cùng đại diện 14 đơn vị trực thuộc Tổng cục...
Bước ngoặt trong quản lý biển và hải đảo
Ngày 9/2/2007, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã ban hành Nghị quyết về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" khẳng định cần phải nghiên cứu, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, quản lý thống nhất về biển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo.
Ngay sau khi Chiến lược được ban hành, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, tại Nghị định số 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục đã được điều chỉnh, bổ sung năm 2014 theo Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg và mới đây nhất là năm 2018 theo Quyết định số 06/2018/QĐ-TTg.
Theo đó, Tổng cục thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Tổng cục được giao thực hiện 19 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn với cơ cấu tổ chức gồm 4 Vụ, 3 Cục, 5 Trung tâm, 1 Viện nghiên cứu và Văn phòng Tổng cục.
Báo cáo về công tác quản lý nhà nước về biển, đảo trong những năm qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi khẳng định qua chặng đường 10 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Tổng cục đã không ngừng phát triển, khẳng định được vị thế, uy tín là tổ chức thực hiện chức năng tham mưu, thực hiện quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
Nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật của Tổng cục đã góp phần to lớn vào sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Thành tựu nổi bật trong thời gian qua là Tổng cục đã xây dựng, triển khai hệ thống chính sách pháp luật về quản lý tổng hợp, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Đặc biệt, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/6/2015 đã tạo hành lang pháp lý triển khai một cách có hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái.
Hệ thống các cơ chế, chính sách, pháp luật, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng từng bước được xây dựng và triển khai trong công tác điều tra cơ bản, quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; quản lý và cấp phép nhận chìm ở biển; đảm bảo tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm phát triển bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.
Tổng cục đã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, tuyên truyền về biển và hải đảo với việc triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án 47.
Công tác nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được tập trung triển khai thông qua thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ thuộc lĩnh vực biển và hải đảo và Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ “Khoa học và công nghệ về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020.”
Các kết quả nghiên cứu đã góp phần hoàn thiện khung chính sách pháp luật và thể chế quản lý biển vả hải đảo.
Công tác hợp tác quốc tế cũng ngày càng được củng cố và phát triển với việc tham gia hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực về biển như: Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và ven biển, Tiểu ban Khoa học, Công nghệ biển ASEAN, Diễn đàn toàn cầu về Đại dương, Vùng bờ và Hải đảo...
Thời gian qua, Tổng cục đã tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục cấp phép cho tàu Viện sỹ Oparin (Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Cộng hòa liên bang Nga) và tàu Falkor (Viện nghiên cứu công nghệ Georgia, Hoa Kỳ) vào nghiên cứu khoa học tại vùng biển của Việt Nam.
Tổng cục cũng đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Tổng cục đã thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, khảo sát, nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật trong quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; hiện trạng môi trường biển; phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường biển ở các địa phương có biển...
Tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và điều hành
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhận định: Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các vấn đề về môi trường biển và hải đảo đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan trên biển và ven biển thời gian qua đang diễn biến với quy mô, tần suất khó lường.
Các hệ sinh thái ven biển đang bị khai thác quá mức, rừng ngập mặn bị thu hẹp một cách báo động, môi trường biển tiếp tục bị ô nhiễm và có nhiều khu vực chưa được kiểm soát tốt.
Các sự cố về thiên nhiên ngày càng khó dự báo, việc xói lở ven biển, xâm nhập mặn, đặc biệt tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ diễn biến ngày càng phức tạp.
Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành rất quan tâm, nhưng đến nay năng lực quản lý, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tại hệ thống các cơ quan quản lý về biển và hải đảo tại 28 tỉnh, thành phố có biển còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế.
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần nhìn lại chặng đường 10 năm qua, từ đó định hướng cho giai đoạn tới, tập trung hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, chú trọng việc thực hiện các quy định của pháp luật về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển…
Đẩy mạnh thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường biển; xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển; xây dựng và thực hiện chương trình trọng điểm về điều tra cơ bản biển và hải đảo Việt Nam…
Vì vậy, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng các Chi cục tại 28 tỉnh, thành phố có biển tiếp tục đề xuất các nhiệm vụ, đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về biển và hải đảo; nghiên cứu, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển, hải đảo./.
Theo HOÀNG NAM (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/tong-cuc-bien-va-hai-dao-viet-nam10-nam-xay-dung-va-truong-thanh/521363.vnp