Cập nhật: 16/09/2018 11:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra" do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 13/9, các vị khách mời là đại biểu quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đã cùng đưa ra những giải pháp nhằm mang lại một kỳ thi THPT Quốc gia công bằng, minh bạch và chất lượng.

TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT - Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân

Theo TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, các cuộc cải cách thi cử phải phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể lúc đấy.

Ví dụ: Năm 1995, chúng ta có cuộc chuyển đổi, chỉ là điều chỉnh tiểu tiết về kỹ thuật, đó là việc mỗi phòng thi chỉ được có một tờ đề, phải chép lên bảng được chuyển thành mỗi thí sinh được cầm một tờ đề trên tay.

Đến năm 2002, chúng ta làm “3 chung”. Thi “3 chung” có những ưu điểm mà chúng ta phải tiếp thu. Đó là, kỳ thi cực kỳ nghiêm túc, nhưng tốn kém và thí sinh phải di chuyển xa.

Đến năm 2015, theo Nghị quyết của Quốc hội và Trung ương, chúng ta xóa thi “3 chung” và chuyển về địa phương theo đúng tinh thần giảm áp lực, giảm tốn kém, nhưng “được cái này, mất cái nọ”. Và đến năm 2018 mới bắt đầu lộ ra khiếm khuyết.

Đến kỳ thi vừa rồi, phải khẳng định chủ trương là đúng nhưng đến lúc thực thi của chúng ta lại vướng phải khâu nhân sự. Chính cán bộ các phòng khảo thí của các sở là những người tiếp tay tiêu cực và có thể nói là chủ trì tiêu cực!

 

Tuy nhiên, ông Ngọc cũng khẳng định, đó là những sai phạm mang tính chất điểm lẻ chứ không mang tính chất toàn xã hội. Chủ trương thi tại địa phương là đúng, giảm áp lực, nhưng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào cho tốt lại là vấn đề cần bàn kỹ.

Thứ hai, khâu đề thi, ông Ngọc nêu vấn đề, trong tương lai, chuyện có các trung tâm khảo thí độc lập rồi thi trên máy tính làa đang nói trên lý thuyết, chứ việc xây dựng một bộ đề, một thư viện đề không dễ. Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc có một trung tâm khảo thí độc lập là khó. Và nếu có một trung tâm khảo thí độc lập với tư cách tư nhân thì độ tin cậy bảo đảm đến đâu?

Để có một kỳ thi công bằng, minh bạch và chất lượng

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, vừa rồi ông có gửi mail xin ý kiến lãnh đạo các trường ĐH về đánh giá kết quả như nào. Kết quả là đối với các em lĩnh vực xã hội nhân văn thì tốt nhưng khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ thấp hơn. Do vậy, trước tiên, ông đề nghị năm tới - bước sang năm thứ 3 đổi mới hình thức thi, Bộ phải có tổng kết, đánh giá, muốn vậy phải khảo sát, đánh giá ở các trường đại học xem trước đây thi “3 chung” thế nào, bây giờ thi thế nào. Khảo sát chất lượng học tập mới là quan trọng.

Thứ 2, theo ông Đức, ở 4 khâu là ra đề, coi thi, chấm thi, xét tuyển thì các thành viên ban chỉ đạo thi phải có ý thức đầy đủ, tập huấn trách nhiệm, đồng thời mời các chuyên gia cùng tập huấn để tránh những sơ suất. 

Về đề thi, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giá trị cốt lõi phải có Toán và Ngữ văn, với ngành ngoại ngữ có thêm môn Ngoại ngữ, ngành y có thêm môn Sinh học, Hóa học chứ không nên tràn lan tổ hợp xét tuyển để phù hợp với hội nhập quốc tế.

Ông Đức nhận định, với đề thi năm nay, nhất là với môn Toán đã phân hóa rất tốt. Tuy nhiên, cần tổ chức đánh giá thực sự chất lượng thí sinh để điều chỉnh. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến rồi mà chỉ có Văn mà không có Toán, Lý, Hóa thì không ổn. Thêm nữa, không nên chỉ tập trung vào kỳ thi mà còn phải hướng tới tuyển chất lượng được thể hiện qua kỳ thi này.

Về những giải pháp công nghệ để bảo đảm một kỳ thi minh bạch, TS. Quách Tuấn Ngọc cho biết: Công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực cho các kỳ thi. Bây giờ nói đến 4.0 thì còn xa vời vợi, nhưng thực sự không có các hệ thống thông tin quản lý thì kỳ thi của chúng ta cực kỳ vất vả.

Ví dụ, công tác xét tuyển năm nay êm tới mức độ “không có một tiếng ồn”, đó là nhờ hệ thống công nghệ thông tin. Các thí sinh được đăng ký tới “n” nguyện vọng, nhưng hệ thống phát hiện ra thí sinh trúng tuyển ở một trường nào đó trong danh sách đăng ký là hệ thống chấm dứt luôn.

Thứ hai, khâu thống kê cũng từ hệ thống thông tin mà ra. Ông Ngọc cho biết đã đề xuất Bộ GD&ĐT khi chấm điểm xong thì chính thức công bố toàn bộ số liệu thống kê kết quả chứ không để cho các tổ chức khác ở ngoài xã hội tự thống kê, bởi số liệu không đủ có thể sẽ làm sai lệch. Với những người làm quản lý, nếu không dựa vào số liệu thống kê thì không khác gì "đi máy bay mà không có radar dẫn đường", chắc chắn là đi sai đường.

Ông Ngọc nhấn mạnh, còn một hệ thống đóng vai trò quan trọng nữa, đó là phân hệ quản lý điểm thi. Chính nhờ phân hệ này mới phát hiện ra những trường hợp gian lận thi cử. Cho nên, có thể nói vai trò công nghệ thông tin là không thể thiếu được trong công tác thi và càng ngày càng hoàn thiện.

Cuối cùng, chính hệ thống công nghệ thông tin mới có thể thống kê, vẽ phổ điểm và đánh giá để điều chỉnh đề thi. Bởi sau khi thống kê xong là biết ngay mức độ phân hóa đề thi, phân hóa học sinh của đề thi đó như thế nào. Ví dụ như môn Lịch sử, có những năm chỉ có 1 với 2 điểm, thì bên công nghệ thông tin đã phát hiện ra phổ điểm bất bình thường, vì đề quá khó, quá hàn lâm.

Giải pháp của Bộ GD&ĐT

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, để khắc phục những tồn tại của kỳ thi năm nay, Bộ sẽ bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra kỳ thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, làm sao tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về công nghệ thông tin, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường đại học, cao đẳng với các sở để có kỳ thi chất lượng.

Tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi. Đặc biệt, chấm thi cũng có sự điều chỉnh, làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình. Giảng viên đại học địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình để bảo đảm khách quan; phối hợp chặt chẽ giữa ban chỉ đạo Trung ương và địa phương để chỉ đạo kỳ thi.

Về Luật Giáo dục, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã cho phép Bộ chuyển dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và sẽ sửa khá cơ bản, toàn diện.

 

Theo Vũ Phong/ Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm