Ngày hội văn hóa các dân tộc miền trung lần thứ ba do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức tại TP Tam Kỳ vừa khép lại, nhưng dư âm và những ấn tượng vẫn đọng lại trong người dân địa phương và du khách.
Tiết mục biểu diễn tại Ngày hội.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền trung trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền trung đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các trò chơi dân gian… thu hút gần 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 13 tỉnh, thành phố dọc dải đất miền trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận tham gia. Điểm nhấn là hoạt động Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống và Triển lãm giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng các dân tộc. Nhiều đoàn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh, thành phố đã mang đến những điệu múa, làn điệu dân ca. Các tập tục, lễ hội dân gian được phục dựng, tái hiện trên sân khấu mang đậm bản sắc các dân tộc như tục cúng đất lập làng của đồng bào dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam; múa mô phỏng tái hiện tục Cu ru của đồng bào Pa Kô ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế; độc tấu sáo Mông của đoàn Thanh Hóa… Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, đồng bào các dân tộc miền trung trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, được hình thành, phát triển trong quá trình lao động sản xuất và được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tín ngưỡng dân gian… là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Có thể nói, đến với ngày hội lần này, khách du lịch trong nước và ngoài nước được hòa mình vào không khí sôi nổi với những sắc mầu văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc, qua đó, có thể cảm nhận âm hưởng những giai điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, cho thấy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống anh hùng, đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, đắm mình vào không gian các lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân; được trải nghiệm những môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong khu vực miền trung... Tổ chức vào dịp kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2-9, ngày hội góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Nam, nhất là những địa danh nổi tiếng trên địa bàn như các Di sản văn hóa thế giới: Phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm... cùng các sản phẩm du lịch, các di sản văn hóa phi vật thể, góp phần thu hút khách du lịch. Từ đó, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển du lịch ở địa phương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền trung góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân đối với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc miền trung trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền trung với cả nước và quốc tế. Đồng thời, ngày hội thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền trung trong xu thế hội nhập của đất nước…
Bài và ảnh: QUỐC VIỆT
Theo nhandan.com.vn