Cập nhật: 19/09/2018 15:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đây là hạn chế, bất cập lớn cần được nhìn nhận khách quan trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến thời điểm tháng 7/2017, doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 51,6% so với năm 2012.

Đơn vị kinh tế Hợp tác xã hiện có 13,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 0,1% về số lượng và giảm 15,6% về lao động so với năm 2012. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có 5,1 triệu cơ sở, tăng 11,2% về số lượng cơ sở  so với năm 2012, bình quân mỗi năm tăng 2,1%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp  với trên 1,5 triệu đơn vị. Vùng Đông Nam Bộ có quy mô lớn nhất cả nước về số doanh nghiệp với 216,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Báo cáo cũng cho thấy, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh. Số lượng các đơn vị hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất tới 81,1% và cao hơn mức 78,7% của năm 2012.

Kết quả tổng điều tra cũng cho thấy, trong năm 2016, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước ít nhưng thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân 1 doanh nghiệp đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 18 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Mức thuế và các khoản ngân sách bình quân trên 1 doanh nghiệp ở các doanh nghiệp lớn đạt 57,8 tỷ đồng; doanh nghiệp vừa là 8 tỷ đồng và doanh nghiệp siêu nhỏ đóng góp ít nhất là 122 triệu đồng.

Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2017, khối doanh nghiệp nhà nước đã giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Tỷ lệ số doanh nghiệp nhà nước giảm từ 1,01% năm 2011 xuống còn 0,53% năm 2016, thuế và đóng góp ngân sách nhà nước giảm từ 35% xuống còn 32,2%. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khối FDI phát triển mạnh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều lao động.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã phản ánh toàn diện sự phát triển của các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp giai đoạn 2012 – 2017 trong phạm vi cả nước, theo các vùng kinh tế và từng địa phương. Kết quả cho thấy các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp có xu hướng tăng chậm lại nhưng tăng cao trong khu vực kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp.

“Quy mô của nền kinh tế ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp tăng mỗi năm, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có xu hướng chững lại và chậm dần. Tổng điều tra cũng phản ánh điểm hạn chế đối với khu vực doanh nghiệp, đó là xu hướng nhỏ dần về quy mô lao động bình quân; sự manh mún của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và tiến trình xã hội hóa cá hoạt động sự nghiệp còn diễn ra quá chậm; Công nghệ thông tin chưa được ứng dụng hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan địa phương, đây là hạn chế, bất cập lớn cần được nhìn nhận khách quan trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Lâm cho biết./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Tệp đính kèm