Một trong những thành công lớn của Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (Đại hội ASOSAI XIV) là chính thức thông qua Tuyên bố Hà Nội. Đây là văn kiện nhằm truyền tải thông điệp quan trọng nhất của Đại hội ASOSAI XIV và Hội nghị chuyên đề 7 và phản ánh những ý tưởng, đề xuất của ASOSAI đối với cộng đồng khu vực và thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công.
Sáng 22-9, Đại hội ASOSAI đã thông qua Tuyên bố Hà Nội.
Đưa công nghệ mới vào kiểm toán môi trường
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Việt Nam Đoàn Xuân Tiên cho biết: Tuyên bố Hà Nội khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu trên cơ sở kết quả thảo luận về chủ đề “Kiểm toán môi trường (KTMT) vì sự phát triển bền vững”. Theo đó, các nước thành viên ASOSAI đã thống nhất tiếp tục triển khai sứ mệnh của ASOSAI trong thúc đẩy chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên; nhấn mạnh việc chú trọng phát triển KTMT vì sự phát triển bền vững của các quốc gia và của khu vực. Thông điệp được đưa ra là tiếp tục hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn để tạo động lực mới cho hợp tác ASOSAI, nhằm phát huy mọi tiềm năng của các SAI thành viên và đưa ASOSAI như là một tổ chức khu vực hình mẫu lên một tầm cao mới. Tại Tuyên bố Hà Nội, các SAI cũng thống nhất thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI, phát triển năng lực cho các SAI thành viên trong lĩnh vực KTMT vì sự phát triển bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Tuyên bố Hà Nội, các SAI thành viên thống nhất cùng tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến các chuẩn mực và tài liệu hướng dẫn về lĩnh vực kiểm toán môi trường giữa các SAI thành viên; khuyến khích việc thực hiện các cuộc kiểm toán chung phối hợp giữa các quốc gia theo chức năng nhiệm vụ của SAI và cam kết xây dựng các cơ chế, quy trình để hỗ trợ cho hoạt động này; vận động các quốc gia thành viên xây dựng những quy định pháp lý, văn bản pháp luật về quản lý môi trường. Đây là cơ sở để tạo ra các hành lang pháp lý để các cơ quan kiểm toán tối cao đóng vai trò trong việc giám sát việc triển khai các quy định này.
Chia sẻ kinh nghiệm thành công trong lĩnh vực KTMT, bà Hồ Trạch Quân, Tổng KTNN Trung Quốc, Tổng Thư ký ASOSAI cho biết cần áp dụng công nghệ, dữ liệu lớn (Big data) trong các cuộc KTMT. Thí dụ KTNN Trung Quốc đã tận dụng dữ liệu lớn (big data) để kiểm toán bảo vệ môi trường sông Dương Tử và giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý sông ngòi.
Về phía Việt Nam, TS Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN đã áp dụng công nghệ mới trong các cuộc KTMT từ năm 2017 đến nay như công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám. “Khi kiểm toán hai khu mỏ đá ở Hải Phòng khai thác đá để sản xuất xi măng, KTNN đã áp dụng công nghệ viễn thám để đo đạc xác định trữ lượng đá đã khai thác cách đây nhiều năm, từ đó truy ra số thuế phải nộp cho nhà nước và các tác động của môi trường. KTMT là vấn đề mới ở Việt Nam, chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành”, TS Hồ Đức Phớc cam kết.
Vươn lên tầm cao mới
Tại Đại hội, 46 SAI thành viên đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng như: Kế hoạch ngân sách giai đoạn 2019-2021, kế hoạch ASOSAI giai đoạn 2016-2021, báo cáo hội nghị chuyện đề lần thứ 7, bầu cử thành viên Ban điều hành và Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, thông qua Tuyên bố Hà Nội. Đồng thời, Đại hội đã công nhận Palestine là thành viên thứ 47 của ASOSAI và thống nhất Thái Lan đăng cai ASOSAI XV năm 2021.
Khẳng định Đại hội ASOSAI XIV thành công tốt đẹp về mọi mặt, ông Chuê Giê-hi-ăng, Tổng KTNN Hàn Quốc, nhấn mạnh: Thành công của KTNN Việt Nam trong vai trò đăng hội nghị mang tầm quốc tế rất lớn như ASOSAI XIV đã giúp vai trò, vị thế của Việt Nam được nâng cao. KTNN Việt Nam cần đi đầu trong đẩy mạnh hợp tác với các SAI thành viên để phối hợp thực hiện các mục tiêu đã đặt ra trong Tuyên bố Hà Nội.
Chúc mừng thành công của Đại hội, bà Ma-đi-na Bin-ti Mô-ha-mát, Tổng KTNN Malaysia, nguyên Chủ tịch ASOSAI cho rằng KTNN Việt Nam đã tổ chức Đại hội ASOSAI XIV theo các tiêu chuẩn quốc tế và trên hết là sự mến khách tuyệt vời của đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời bày tỏ tin tưởng Tổng KTNN Việt Nam Hồ Đức Phớc sẽ đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ tới, với sự hỗ trợ của các SAI thành viên, KTNN Việt Nam sẽ đưa ASOSAI lên tầm cao mới, bên cạnh vai trò là tổ chức tiểu khu vực của Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI).
Tổng KTNN Việt Nam Hồ Đức Phớc cam kết: KTNN Việt Nam sẽ cố gắng sát cánh với các SAI thành viên để hiện thức hóa tầm nhìn ASOSAI với việc triển khai chiến lược một cách chủ động sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời kêu gọi các SAI thành viên tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng ASOSAI.
Thông qua việc tổ chức thành công Đại hội ASOSAI XIV và trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, KTNN Việt Nam đã chứng minh sự trưởng thành và phát triển, có thể đảm đương tốt trách nhiệm quốc tế trong cộng đồng ASOSAI và các công việc liên quan đến hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực KTNN. Từ đó nâng cao vị thế, hình ảnh của KTNN nói riêng và vị thế, hình ảnh đất nước nói chung trên trường quốc tế.
Đại hội ASOSAI diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 đến ngày 22-9 với sự tham dự của gần 400 đại biểu của 79 đoàn quốc tế, gồm các SAI thành viên ASOSAI, đại diện các cơ quan của INTOSAI và tổ chức quốc tế với tư cách quan sát viên. Đại hội cũng đón hơn 400 khách mời trong nước là đại diện các cơ quan Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội các tổ chức chính trị xã hội… Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI sau 21 năm gia nhập tổ chức này.
Theo TÔ HÀ - KHÁNH GIANG/nhandan.com.vn