Cập nhật: 01/10/2018 10:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu giao cho địa phương chấm chéo vẫn khó tránh khỏi tình trạng các tỉnh "đi đêm" với nhau để "làm đẹp” điểm cho con em.

Theo Bộ GD-ĐT, dự kiến, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ tổ chức chấm chéo hoặc chấm theo cụm bài thi các địa phương.

Tuy nhiên, việc tổ chức chấm chéo giữa các địa phương cũng đang đặt ra không ít băn khoăn. TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, nếu để địa phương nào chấm thi địa phương đó như trước đây sẽ rất dễ xảy ra những xung đột về lợi ích. Các trường đại học mong muốn tuyển được đầu vào chất lượng tốt, nhưng địa phương nào cũng muốn con em mình được học ở những trường đại học tốt. Mục tiêu của các bên khác nhau dễ xảy ra xung đột lợi ích, dẫn đến những gian lận như tại Hà Giang, Sơn La… năm 2018.

Đại diện một số trường đại học cho rằng chấm chéo vẫn chưa thể ngăn chặn hoàn toàn gian lận.

Để giải quyết vấn đề này, TS Lê Trường Tùng cho rằng, có thể giao cho địa phương chấm thi, nhưng cần đảm bảo các địa phương không biết mình đang chấm bài của thí sinh tỉnh, thành phố nào. Ngay sau khi thu bài thi từ thí sinh, Bộ sẽ quản lý toàn bộ bài thi, dọc phách, tách phách và giao từng lô bài về các địa phương để chấm.

“Chấm chéo được hiểu là tỉnh A chấm cho tỉnh B, như vậy các tỉnh vẫn có thể “đi đêm” với nhau để làm đẹp bảng điểm, khống thành tích. Để đảm bảo tính chính xác, an toàn, Bộ cần đặc biệt siết chặt khâu giám sát, quản lý trong mọi quy trình từ coi thi đến chấm thi”, TS Tùng chỉ rõ.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội lại cho rằng, nếu kỳ thi THPT quốc gia 2019 không còn mục đích “2 trong 1”, tức vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, thì không cần đặt nặng vấn đề chấm chéo giữa các địa phương.

 “Mặc dù kỳ thi nào cũng yêu cầu tính nghiêm túc, chính xác nhưng nếu chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT thì có thể có gian lận, nhưng không nghiêm trọng.

Trước đây có những sự cố như vụ thi tốt nghiệp tại Đồi Ngô, đây chỉ là bệnh thành tích, các trường muốn tạo điều kiện cho thí sinh tốt nghiệp với tỷ lệ cao nhất, chứ không có nghĩa lý gì với thi đại học. Nếu sử dụng kết quả này để xét tuyển đại học thì việc siết chặt khâu coi thi, chấm thi là cực kỳ quan trọng”, PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết.

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển thì không nên chấm chéo, mà nên thành lập các trung tâm chấm thi có sự tham gia, giám sát của các trường đại học và Bộ GD-ĐT.

Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được tiếp tục tổ chức trên cơ sở phương thức thi như năm 2018, nhưng sẽ có thêm 1 số điều chỉnh để kỳ thi này nghiêm túc và tin cậy hơn.

“Bộ sẽ rà soát toàn bộ quy trình, xây dựng quy chế quy định cụ thể hơn, trách nhiệm các bên liên quan, tiếp tục hoàn thiện hệ thống ngân hàng câu hỏi. Trên cơ sở đó, xây dựng đề thi sao cho phù hợp với tính chất của kỳ thi THPT quốc gia và thời gian làm bài của thí sinh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường bảo mật để làm sao không những chấm thi tốt mà còn có thể phòng ngừa những sai phạm, hoặc dễ dàng phát hiện sai phạm. Trong đó, còn đặc biệt coi trọng khâu lựa chọn nhân sự, lựa chọn những người có trách nhiệm, am hiểu công việc, công tác tập huấn phải được tập luyện. Đặc biệt công tác thanh tra, giám sát phải đi vào hiệu quả hơn”.

Cụ thể, việc ứng dụng CNTT trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tăng cường, đặc biệt là chấm thi các bài trắc nghiệm cần tăng cường tính bảo mật. Theo đó sẽ mã hóa những dữ liệu chấm thi.

“Những giải pháp này cùng với giải pháp về mặt quy trình sẽ làm cho việc ứng dụng CNTT trong việc chấm thi nói riêng và tổ chức kỳ thi THPT nói chung an toàn hơn”, ông Mai Văn trinh nhấn mạnh./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

Tệp đính kèm